Đây là những nhà khoa học có nghiên cứu góp phần giải quyết các vấn đề nóng trên thế giới, trong đó có phòng chống dịch COVID- 19.
Tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) vừa công bố danh sách thường niên
Asian Scientist 100 nhằm vinh danh 100 nhà khoa học và nhà nghiên cứu xuất sắc nhất châu Á năm 2020. Ngoài các lĩnh vực thông thường từ vật lý đến nông nghiệp, danh sách năm nay nêu bật thành tựu của sáu nhà khoa học đi đầu trong nghiên cứu COVID-19.
Những người được chọn phải có giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế trong năm 2020, ngoài ra phải có thành tích đáng kể trong phát hiện khoa học hoặc là người dẫn đầu trong lĩnh vực học thuật của mình.
Năm nay, Việt Nam có 5 nhà khoa học được nêu tên, bao gồm:
Ở lĩnh vực Khoa học Y sinh có
PGS.TS. BS Vương Thị Ngọc Lan (Đại học Y Dược TP.HCM) - một trong ba người nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 nhờ nghiên cứu so sánh giữa
phương pháp chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang để thụ tinh trong ống nghiệm.
Cũng trong lĩnh vực này, còn có
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) - người đứng đầu một nhóm các nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 vì đã
phân lập thành công một chủng virus SARS-CoV-2 mới, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công virus này. Trong 20 năm qua, nhóm nghiên cứu không ngừng nỗ lực để tìm ra phương pháp chống lại những căn bệnh chết người như SARS, cúm gia cầm A/H5N1 và H1N1.
Ở lĩnh vực Nông nghiệp, có
PGS.TS Trần Thị Thu Hà (Trường Đại học Nông lâm, ĐH Thái Nguyên) - người được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 nhờ công trình nghiên cứu về nhân giống và thâm canh các loại cây dược liệu, phát triển các loại cây thuốc địa phương. Bà đang là viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp IFRAD, một trong những
trung tâm nghiên cứu giống lâm nghiệp và dược liệu chất lượng cao của khu vực phía Bắc.
Lĩnh vực Toán học có
PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Trường Đại học Đà Lạt), một trong ba nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 nhờ công trình
nghiên cứu lý thuyết về “Các tính chất tổng quát của quy hoạch nửa đại số”công bố trên tạp chí SIAM Journal onOptimization, chứng minh hầu hết các bài toán Tối ưu nửa đại số đều có thể giải được một cách hiệu quả.
Lĩnh vực Vật lý có
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), một trong ba người nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 nhờ công trình “Quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu” đăng trên tạp chí Applied Physics Letters,
đề xuất một phương pháp mới tính quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử có thể áp dụng trong các vật liệu khác nhau.
Đây là năm thứ 6 liên tiếp Tạp chí Asian Scientist vinh danh các nhà nghiên cứu xuất sắc nhất châu Á đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Bangladesh, Hồng Kông, Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam....
Năm ngoái, Việt Nam có
3 nhà khoa học được nêu tên trong danh sách này.
Ngô Hà (Theo Asian Scientist)