Bất chấp việc nằm ở một khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp IFRAD (trường ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên) đã trở thành một trong những mô hình tự chủ được đánh giá cao và được nhiều đối tác tìm đến.

PGS.TS. Trần Thị Thu Hà (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn chuyên môn cho các cán bộ trẻ tại phòng thí nghiệm.
PGS.TS. Trần Thị Thu Hà (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn chuyên môn cho các cán bộ trẻ tại phòng thí nghiệm.

TỰ CHỦ BẰNG KHOA HỌC ỨNG DỤNG

Tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp vùng núi phía Bắc, hoạt động theo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm ngay từ những ngày đầu thành lập năm 2008, đến nay Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (IFRAD) đã trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu giống lâm nghiệp và dược liệu chất lượng cao của khu vực phía Bắc. Hằng năm, IFRAD cung cấp từ 8-10 triệu cây giống chất lượng cao gồm cây lấy gỗ (Keo, Bạch Đàn,...) và các loài cây dược liệu (Đinh Lăng, Ba Kích, Sa nhân, Kim tuyến, Thông đất, Lan Kim Tuyến, Gừng Gió...) từ công nghệ lai tạo các nguồn gen tốt, nhân giống từ nuôi cấy mô tế bào,... trên quy mô công nghiệp. Quy trình nhân giống nhiều loài cây đó đang được áp dụng trên 9 tỉnh trải dài từ Hà Giang đến Quảng Nam.

Là đơn vị được thụ hưởng một phần từ Dự án “Đầu tư phát triển giống lâm nghiệp chất lượng cao của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2015” thuộc Bộ NN&PTNT, các kết quả của IFRAD được đánh giá là “một trong những dự án thành công nhất về phát triển trung tâm giống chất lượng cao của ngành” và đạt giải thưởng Bông Lúa Vàng danh giá nhất trong ngành năm 2015. Hiện nay IFRAD đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng đầy đủ trên diện tích hơn 100ha, gồm khu nuôi cấy mô tế bào thực vật (in vitro), vườn ươm công nghệ cao, phòng kiểm nghiệm giống, kho bảo quản giống, hệ thống rừng giống, vườn giống đầu dòng và khu khảo nghiệm đối với tập đoàn gần 80 loài cây gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu quí của Việt Nam.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống đã tạo ra các cây con cải thiện di truyền so với dòng bố mẹ (thân thẳng hơn, tán tròn, cải thiện năng suất, không nấm bệnh, chịu được biến đổi khí hậu, chất lượng đồng đều, hoặc hoạt tính cao hơn đối với cây dược liệu...) do vậy tập hợp được nhiều ưu điểm phục vụ cho nhu cầu giống ở quy mô công nghiệp, đưa Viện trở thành một trong những đối tác cung cấp giống uy tín trong vùng và cả nước.

Về tài chính và quản lý vận hành, IRFAD đã đạt mức độ tự chủ 100% từ nhiều năm nay. “Mặc dù nhìn bề ngoài là một viện công, nhưng bản chất chúng tôi đang hoạt động như một doanh nghiệp. Chẳng hạn như đợt Covid-19 vừa qua, trong khi các khoa chuyên môn của trường đại học phải đóng cửa ở nhà cách ly,thì ở Viện chúng tôi đèn phòng thí nghiệm vẫnthắp sáng từ thứ hai đến chủ nhật, từ sáng sớm đến nửa đêm, bởi nếu không hoạt động thì sẽ chết” - Viện trưởng PGS.TS. Trần Thị Thu Hà chia sẻ. Hiện nay, tổng doanh thu từ kinh doanh dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất giống (không tính các đề tài dự án khoa học các cấp Viện tham gia) đạt trung bình từ 20 - 30 tỷ đồng/năm, thuộc 2 mảng chính là công nghệ sinh học và công nghệ thông tin viễn thám. Từ ban đầu chỉ có 3 người, đến nay sau 12 năm, Viện đã có gần 100 cán bộ, và “tự chủ hoàn toàn về mọi mặt từ quỹ lương, đóng góp tài chính vào quỹ phúc lợi của nhà trường, nộp thuế thu nhập vào ngân sách nhà nước và có lợi nhuận để lại nhằm tái đầu tư cho nghiên cứu”.

Sau dự án giống, IFRAD dấn thân vào một thử thách phức tạp hơn là chuyển giao được công nghệ cho các doanh nghiệp. Trong hai năm 2015-2016, họ đã tham gia chủ nhiệm một dự án thuộc chương trình 592 để hoàn thiện công nghệ nhân giống in vitro và chọn được giống các loài thảo dược gồm lan kim tuyến tại Lào Cai, gừng gió tại huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn và đinh lăng tại Thái Nguyên cho khả năng sinh trưởng tốt, hàm lượng dược tính cao và có giá trị kinh tế. Từ kết quả này, IFRAD đã hỗ trợ thành lập ra doanh nghiệp KHCN đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên (Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam). Công ty đã tiếp tục mở rộng thêm hai chi nhánh ở Hà Giang và Quảng Nam và đây cũng là các doanh nghiệp KHCN đầu tiên của các tỉnh này. “Mô hình doanh nghiệp KHCN cùng đồng hành với viện nghiên cứu là điều mà chúng tôi đang theo đuổi. Đây là cánh tay nối dài trong việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. IFRAD sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ bản quyền khoa học công nghệ và góp vốn bằng bản quyền đó. Khi công ty kinh doanh tốt, một phần lợi nhuận sẽ được trích trở lại Viện và tái đầu tư cho các nghiên cứu tiếp theo”, TS. Trần Thị Thu Hà chia sẻ.


IFRAD cũng là đơn vị nghiên cứu đang sở hữu 12 giống dược liệu quý đã được cấp bằng bảo hộ của Bộ NN&PTNT và 8 bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ của Bộ KH&CN.


Gần đây, IFRAD đã bắt đầu đi sâu hơn vào làm chủ công nghệ sinh học phân tử và hóa sinh phân tử trong chọn tạo giống để tạo ra những loài cây dược liệu có hoạt chất cao hơn, tăng khả năng phân lập, định tính và định lượng hoạt tính nhằm góp phần thúc đẩy ngành dược liệu. Thông qua tiểu dự án FIRST với Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&CN năm 2018-2019, IFRAD đã xây dựng được một phòng thí nghiệm Sinh học phân tử và Hóa sinh đạt tiêu chuẩn phòng thí nghiệm an toàn Sinh học cấp 2, đồng thời đào tạo thêm nguồn nhân lực KH&CN bền vững cho nghiên cứu trong lĩnh vực này. Đây cũng là một trong những dự án FIRST đầu tiên trong hợp phần 2A có vốn đối ứng từ tổ chức KH&CN. Sau dự án, họ đã tạo ra 70.000 cây giống thông đất, khắc phục được nhược điểm hiệu suất thấp và thời gian dài của phương pháp nhân giống tự nhiên. Cây giống tạo ra không chỉ đơn thuần là phương pháp để nhân lên từ nguồn sẵn có, mà các nhà nghiên cứu đã phải chọn lọc, phân tích trình tự gene và lai ghép từ 10 loại thông để có được giống có hoạt tính chữa bệnh cao nhất, đồng thời có khả năng chịu đựng được các điều kiện môi trường tại Việt Nam. Họ đã đăng ký được 11 đoạn trình tự gene của giống cây trên ngân hàng gene quốc tế.

Không khó để nhận ra, IFRAD đang đi rất sát con đường tự chủ bằng “nghề” khoa học. Vì phải tự chủ từ rất sớm, nghiên cứu của Viện phần lớn là nghiên cứu ứng dụng. Với vị thế khiêm tốn là một đơn vị tự chủ cấp 4 tại khu vực miền núi, IFRAD luôn phải chứng minh bản thân trên bàn đàm phán với đối tác lớn hơn. “Chúng tôi phải thuyết phục được rằng mình mang lại một giá trị nào đó mà họ cần để cả hai cùng win-win. Ban đầu có rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ năng lực và khả năng tài chính của chúng tôi, nhưng sự kiên trì đã chứng minh rằng chúng tôi có thể làm rất tốt”, PGS.TS. Trần Thị Thu Hà cho biết.

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG CHO NGHIÊN CỨU

Vậy IFRAD đã chứng minh điều đó bằng cách nào? Dường như Viện nghiên cứu này có những chiến lược và cách tiếp cận cởi mở so với các đơn vị nghiên cứu công lập thông thường cùng thời. Không ‘sống dựa’ vào đề tài nghiên cứu, họ coi các chương trình, đề tài, dự án khoa học là ‘tiền mồi’ giúp tạo ra cơ hội có sản phẩm nghiên cứu ứng dụng có chất lượng tốt và tính pháp lý cao, có khả năng đăng kí bản quyền, sáng chế để chuyển giao. Nhằm tối ưu hóa khả năng thương mại, các nhà nghiên cứu ở IFRAD cũng thường phải thực hiện các nghiên cứu ‘đi trước’ để thăm dò tính khả thi, nếu thấy thành công mới quay lại làm đề xuất xin các chương trình dự án. Không ít giống cây tạo ra đã được trồng miễn phí ở nhiều xã miền núi xa xôi tại Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Giang... Khi cây mọc lên tốt, thì chính quyền địa phương và người dân mới quay lại đặt vấn đề và mua sản phẩm của Viện. Không ngồi chờ, đó là động lực thúc đẩy một viện nghiên cứu phải tự chủ.

Trong xây dựng đội ngũ chuyên môn, IFRAD cũng có cách tiếp cận tương đối tiến bộ. Theo PGS.TS. Trần Thị Thu Hà, giải quyết những vấn đề nông lâm nghiệp và môi trường ở khu vực miền núi là lĩnh vực đa ngành, cần phải kết hợp rất nhiều yếu tố. Do vậy, các nhà nghiên cứu phải sẵn sàng hợp tác với nhiều đối tác thuộc lĩnh vực khác nhau. Viện đang có 6 ‘hạt nhân’ chuyên về những nhóm ngành khác nhau, gồm sinh học phân tử, hóa sinh phân tử, nuôi cấy mô tế bào, tài nguyên đa dạng sinh học, nhân giống, chế biến thuốc, bản đồ viễn thám...Với ưu thế nằm trong một đại học vùng đa ngành, họ có sẵn mạng lưới chuyên gia và máy móc thiết bị đáp ứng nhu cầu của nhiều lĩnh vực nghiên cứu, đồng thời có khả năng liên kết với nhiều viện, trường lớn trong nước (Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Công nghệ sinh học nhiệt đới, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Nông hoá thổ nhưỡng, Viện Dược liệu,...) và các tổ chức quốc tế (CSIRO, Đại học Quốc gia Úc, Đại học Pingtung Đài Loan,...). Tuy nhiên hiện nay, từng nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể độc lập tìm kiếm đề tài hay nguồn tài chính riêng mà vẫn thuộc sự điều phối chung của Viện.

Nói đến việc “chọn tạo” nhân sự hỗ trợ và kế nghiệp, người đứng đầu Viện cho biết quan điểm của chị là đào tạo tại chỗ và đào tạo lớp trẻ hẳn để có tính kế thừa lâu dài. Cũng như tiêu chuẩn cao mà chị đã trải qua, TS. Trần Thị Thu Hà mong muốn thu hút được những người được đào tạo bài bản, tốt nghiệp ở những trường đẳng cấp nước ngoài, có trình độ ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ cao của quốc tế.

Khả năng định hướng, năng lực và uy tín cá nhân của người đứng đầu Viện đã trở thành dấu ấn và là tài sản quan trọng cho sự phát triển của IFRAD. Bên cạnh công tác quản trị, PGS.TS. Trần Thị Thu Hà đồng thời là người dẫn dắt phần lớn các nghiên cứu quan trọng liên quan đến chọn tạo và phát triển giống, công nghệ sinh học, quản lý rừng. Chị cho biết thời gian tới sẽ tập trung nghiên cứu sâu hơn về những loại dược liệu quý và các loài cây có khả năng tuyệt chủng nhưng có giá trị cao về mặt y học và kinh tế, để vừa giúp cho vấn đề sức khỏe của cộng đồng và thu nhập của người dân đồng bào miền núi, đồng thời xây dựng quỹ gene để bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam.