Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà chỉ đạo công tác phối hợp xử lý hệ thống xả thải của Formosa Hà Tĩnh.
“Sắp tới, tôi sẽ chỉ đạo một số cơ quan cùng Sở TN&MT Hà Tĩnh trực tiếp làm việc với các ông để xem xét một số vấn đề về hệ thống xử lý nước thải. Đặc biệt, đối với pháp luật Việt Nam thì hệ thống ống thải xả thải mà lắp đặt ngầm là không cho phép. Chúng tôi đề nghị các ông có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này”, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà ngày 28/4 nói với đại diện Formosa Hà Tĩnh.
“Tôi xin nhận khuyết điểm”
Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác cùng với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đi thực tế vùng biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và hoạt động của chuỗi nhà máy Formosa. Khoảng 11h cùng ngày, đoàn lên tàu đi thực tế các vùng biển trước đó có hiện tượng cá, ngao... chết. Đến 14h, đoàn lên bờ, đi kiểm tra khu xử lý nước thải, khu quan trắc và nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.
Đại diện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Cty FHS) trình bày quy trình xử lý nước thải công nghiệp, sơ đồ xử lý nước thải công nghiệp. Cty cũng dán sẵn kết quả quan trắc chất lượng nước thải công nghiệp trong giai đoạn chạy thử.
Theo đại diện Cty, ngày 11/12/2015, xưởng xử lý nước thải công nghiệp nhận được giấy phép xả thải số 3215/GP-BTNMT và lấy mẫu nước phân tích theo dõi chất lượng nước thải phù hợp các yêu cầu trong giấy phép.
Tại xưởng xử lý nước thải, ngoài những yêu cầu trong giấy phép, mỗi tuần, Cty còn lấy mẫu nước thải đầu vào và sau xử lý để phân tích chất lượng, mỗi ngày đều ghi lại 5 hạng mục quản chế từ trạm quan trắc tự động. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải công nghiệp tháng 2 và 3 do Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh cung cấp cho thấy, bình quân lượng nước thải xử lý trong mỗi tháng là 10.965m3/ngày.
Tiếp đó, đoàn đi thực địa ở trạm quan trắc tự động, rồi tới khu bể xử lý nước thải. Tại đây, mùi khí nồng nặc bốc lên từ các bể chứa. Dòng nước đen từ các ống dẫn đổ xuống bể chứa. Các bể khác, nước cũng đen và dày đặc bọt kết tủa.
Kết thúc chuyến thực tế trong Cty FHS, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ quan điểm với các phóng viên. “Trước hết, tôi xin được chia sẻ với toàn thể bà con nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thảm họa môi trường vừa qua. Với sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, và sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã cùng các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học tích cực xác định chính xác nguyên nhân, dựa trên cơ sở khoa học để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định pháp luật, cũng như có giải pháp trước mắt và lâu dài. Chúng tôi rất mong bà con nhân dân sẽ tiếp tục tin tưởng vào Bộ TN&MT cũng như các bộ, ngành khác làm hết trách nhiệm của mình với tinh thần công tâm, khoa học, trách nhiệm với bà con nhân dân”, Bộ trưởng nói.
Theo ông Hà, đây là một sự cố rất lớn, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. “Chúng tôi phải thừa nhận rằng, các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học dù đã rất nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai trước các thảm họa như thế này còn lúng túng, chưa khoa học, chậm, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của bà con và công luận. Với tư cách là người đứng đầu Bộ TN&MT, tôi xin nhận khuyết điểm về vấn đề này”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay, việc đánh giá cá chết, chất lượng cá, tôm có ảnh hưởng sức khỏe con người hay không, Bộ NN&PTNT đã và đang kiểm tra, chờ kết quả xử lý các mẫu vật. Trong vài ngày tới sẽ có kết quả và công bố. Bộ sẽ có hướng dẫn việc tiếp tục đánh bắt cũng như sử dụng các loại hải sản cho bà con.
“Đương nhiên, đến thời điểm hiện nay, chúng tôi cho rằng, thảm họa không phản ánh tình hình môi trường thường xuyên mà có thể thảm họa này do con người gây ra, có thể do thiên nhiên. Các số liệu của chúng tôi và các bộ, ngành khảo sát thời gian qua cho thấy, thành phần chất lượng môi trường xung quanh nước biển chưa phát hiện ra, chưa thấy các thông số không đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Chúng tôi đã hướng dẫn, chỉ đạo các UBND thường xuyên quan trắc môi trường nước biển, để có những công bố thông báo cho bà con có thể tham gia các dịch vụ du lịch biển, tắm biển... trong dịp nghỉ lễ bình thường”, ông Hà nói.
Về việc tăng cường chất lượng hệ thống quan trắc môi trường, Bộ trưởng TN&MT cho hay: “Chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà khoa học, đặc biệt là làm việc với các cơ sở sản xuất liên quan để minh bạch, công khai và thường xuyên giám sát trực tiếp các chất thải, nước thải. Từ đó, giúp cho môi trường lành mạnh, bảo vệ môi trường sống của người dân”.
Pháp luật Việt Nam không cho phép xả thải ngầm
Trao đổi với lãnh đạo Cty FHS, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Hiện nay, chúng ta đã có hệ thống quan trắc tự động 6 thông số. Một mặt, tập đoàn có thể phối hợp với Sở TN&MT Hà Tĩnh nhằm cung cấp số liệu trực tuyến để Sở có thể theo dõi thường xuyên giống như tập đoàn. Ngoài việc quan trắc theo quy định của pháp luật, chúng tôi đề nghị khi có sự cố xảy ra hoặc có dấu hiệu xấu về môi trường, chúng tôi sẽ quan trắc với mật độ dày đặc hơn. Hiện nay, công nghệ cho phép chúng ta lắp camera trực tuyến để giám sát toàn bộ khu vực xử lý chất thải, nước thải. Ngoài ra, chúng ta có thể đặt thêm một số thiết bị để Sở TN&MT khi cần có thể kiểm tra doanh nghiệp”.
Theo ông Hà, Formosa là một doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có công nghệ sản xuất hiện đại, bởi vậy, cần đầu tư hiện đại hóa các thiết bị môi trường sao cho tương xứng nhằm bảo vệ môi trường.
“Việc các ngài hợp tác, tạo uy tín về vấn đề môi trường sẽ giúp các ngài có thể đầu tư bền vững và sự ủng hộ của người dân Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi chưa có nhận định gì, qua kiểm tra chúng tôi chưa thấy bằng chứng nào về mối quan hệ giữa việc phát thải của nhà máy với vấn đề thảm họa môi trường. Nhưng chúng tôi cho rằng, về gián tiếp có vấn đề liên quan. Khi chúng ta đánh giá, chúng ta chưa tính hết. Vịnh Vũng Áng là vịnh kín, thời điểm tháng 4, tháng 5 điều kiện nhiệt độ và dòng chảy rất đặc biệt và tại đây nồng độ dinh dưỡng rất cao. Việc bổ sung các chất dinh dưỡng đã tạo ra chất xúc tác từ đó dẫn đến sự cố về môi trường”, Bộ trưởng TN&MT nói.