Một trong những ví dụ của việc Việt Nam đề cao yếu tố an toàn như tiêu chí quan trọng nhất khi thực hiện dự án xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận là lùi thời điểm đưa tổ máy đầu tiên vào hoạt động - khoảng 5 năm so với dự kiến ban đầu - nhằm nâng cao yêu cầu an toàn.

Hoàn thành khảo sát bổ sung dự án Ninh Thuận 2

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận - cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Chính phủ giao làm chủ đầu tư thực hiện 6/10 đề án thành phần của dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Tập đoàn đã triển khai đồng bộ 6 dự án này.

Dự án đào tạo nguồn nhân lực được phê duyệt đầu tiên năm 2013, đang triển khai theo kế hoạch. Dự án đầu tư hạ tầng phục vụ thi công hai nhà máy ĐHN bao gồm đường sá, giao thông, cấp nước, điện đã khởi công tháng 12/2014.

Nhân lực là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn lò phản ứng hạt nhân. (Trong ảnh: Các cán bộ kỹ thuật điều khiển hệ thống tại lò phản ứng hạt nhân Đà lạt). Ảnh: Anh Tuấn
Nhân lực là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn lò phản ứng hạt nhân. (Trong ảnh: Các cán bộ kỹ thuật điều khiển hệ thống tại lò phản ứng hạt nhân Đà lạt). Ảnh: Anh Tuấn

Sau một thời gian dài khảo sát, dự án Ninh Thuận 1 đã trình hồ sơ dự án đầu tư cho Hội đồng Thẩm định nhà nước vào tháng 9/2015, đang chờ ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định. Về dự án Ninh Thuận 2, sau khi có ý kiến của các nhà khoa học, ban quản lý đã yêu cầu khảo sát bổ sung và việc này đã hoàn thành vào tháng 2 vừa qua. Ban quản lý đang tổ chức thẩm tra nội bộ để chuẩn bị trình dự án cho Hội đồng Thẩm định nhà nước ngay trong năm nay.

Thời gian vận hành tổ máy đầu tiên của dự án ĐHN Ninh Thuận bị lùi lại khoảng năm 2025 - thay vì năm 2020 như dự kiến tại thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng.

Nguyên nhân là sau khi Nghị định 70/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Năng lượng nguyên tử ra đời, quy định rõ các bước xây dựng nhà máy ĐHN, ban quản lý đã điều chỉnh lộ trình và cách thức thực hiện để đảm bảo tuân thủ đúng luật. Mặt khác, sau sự cố Nhà máy ĐHN Fukushima, Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực kiểm tra thật kỹ vấn đề an toàn, đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Theo đó, các dự án ĐHN được triển khai sau sự cố Fukushima đều phải đưa những yếu tố tác động tương tự trường hợp Fukushima vào dự án. Điều đó kéo dài thời gian thực hiện công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN.

Bài học an toàn từ Fukushima

Do ĐHN liên quan đến an toàn quốc gia và quan hệ quốc tế, IAEA đưa ra khái niệm 19 yếu tố phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN quốc gia. Một nước muốn xây nhà máy ĐHN phải trải qua đủ 19 bước mới được vận hành.

Ông Hùng khái quát 19 yếu tố này thành 3 nhóm. Nhóm 1 là các văn bản pháp quy như luật của quốc gia, hiệp định song phương, đa phương… liên quan đến an toàn, an ninh hạt nhân. Nhóm 2 là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt buộc tuân thủ những quy định ngặt nghèo, với cốt lõi là văn hóa an toàn. Nhóm 3 liên quan đến đầu tư xây dựng và ngăn ngừa rủi ro về tiến độ, phát sinh chi phí. Đây là những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt để hoàn thành việc xây dựng nhà máy ĐHN.

Lựa chọn công nghệ cũng là vấn đề rất quan trọng đối với mỗi nhà máy ĐHN. Nó quyết định vấn đề an toàn hạt nhân, bức xạ, nguyên tắc bảo vệ môi trường, chống lại những sự cố thiên nhiên. Việt Nam đã chọn công nghệ lò phản ứng AES-2006 của Nga, phiên bản 491.

Đây là phiên bản đã được kiểm chứng trên 3 dự án tại Nga và Belarus, hoạt động theo nguyên tắc an toàn thụ động kết hợp chủ động, có bảo vệ 5 lớp theo chiều sâu với giải pháp nhốt chặt phóng xạ khi có sự cố. Thông qua bộ phận hấp thụ và nhốt chặt phóng xạ, chất phóng xạ không thể thoát ra ngoài như đã xảy ra với Fukushima.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận cũng xác định, mọi vấn đề an toàn đều xuất phát từ con người. Các sự cố như Chernobyl, Fukushima được thế giới đánh giá là có căn nguyên từ ý thức về an toàn của con người. Vì vậy, các nước xây dựng nhà máy ĐHN đều phải xem xét yếu tố văn hóa an toàn. Theo ông Hùng, đây là cốt lõi của vấn đề, phải đi từ nhận thức bên trong và thể hiện qua hành động: “Chúng ta không chỉ trông chờ vào công nghệ hiện đại, tự động hóa cao mà tất cả đều do con người. Chính vì vậy, công tác đào tạo rất quan trọng”.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử - cho biết thêm, sau vụ Fukushima nhiều nước phải tăng cường các giải pháp ứng phó sự cố, đảm bảo an toàn cho các nhà máy ĐHN đang hoạt động và sẽ triển khai. Việt Nam cũng đã nghiên cứu những bài học đó do Nhật Bản và IAEA đúc kết.

Một trong những bài học sâu sắc nhất là phải có nguồn nhân lực vừa giỏi về chuyên môn, quản lý vừa thấm nhuần văn hóa an toàn. Đồng thời, cần có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, phát triển cơ quan pháp quy hạt nhân đủ năng lực giải quyết cấp phép xây dựng và vận hành các nhà máy ĐHN trong tương lai, đảm bảo an toàn, an ninh theo quy định quốc tế.