Thông tin từ Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam, khung chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2016-2021 được tập trung vào các lĩnh vực sau:
Kế hoạch công tác tích hợp (IWP): Việt Nam và IAEA đã xây dựng IWP 2016-2020 với 10 lĩnh vực ưu tiên hợp tác. IAEA tiếp tục giúp Việt Nam thông qua các dự án quốc gia (VIE) và vùng (RAS, INT) để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong IWP 2016- 2020, tăng cường năng lực cho các Bộ, ngành Việt Nam trong hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Các ưu tiên hợp tác cho đến 2020 gồm tăng cường khuôn khổ luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược truyền thông, xây dựng chiến lược quốc gia về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, an toàn và an ninh hạt nhân, chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp, mua sắm thiết bị kỹ thuật, xây dựng và đấu nối nhà máy điện hạt nhân vào lưới điện...
Cơ sở hạ tầng luật pháp: IAEA tiếp tục giúp Việt Nam tăng cường khuôn khổ luật pháp quốc gia trên tất cả các khía cạnh an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân. Ngoài ra, IAEA sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường cơ sở hạ tầng pháp quy để thành lập cơ quan pháp quy độc lập thực hiện tất cả các chức năng pháp quy bao gồm cấp phép, ủy quyền và thanh tra...
Chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp: IAEA tiếp tục giúp Việt Nam nâng cao năng lực thu xếp chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp tại chỗ trong khi lựa chọn địa điểm, xây dựng và chạy thử, hiệu chỉnh nhà máy ĐHN, trong đó có thể bao gồm sử dụng các chiến lược quan trắc sinh học.
Phát triển năng lực của các Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật (TSO): Cục ATBXHN và EVN đều có kế hoạch phát triển các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật của riêng mình. Việt Nam mong muốn IAEA hỗ trợ trong việc xác định vai trò và trách nhiệm của TSO.
Phát triển nguồn nhân lực: IAEA hỗ trợ các bên liên quan chủ chốt trong việc phát triển và đánh giá các cơ sở hạ tầng ĐHN, nâng cao năng lực trong đánh giá an toàn và hệ thống quản lý, cũng như quy trình cấp phép.
Ngoài ra, Việt Nam đề nghị IAEA hỗ trợ trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý và thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như hướng dẫn sự tham gia công nghiệp địa phương, và phát triển năng lực chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp.
Trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, Việt Nam có nhu cầu phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo thành công trong việc xây dựng các kế hoạch an ninh và kế hoạch đối phó với các bất ngờ có thể xảy ra, phát hiện và thu hồi cả nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân, cũng như sự phát triển năng lực bảo vệ thực thể các cơ sở hạt nhân và công chúng.
Riêng trong lĩnh vực thông tin đại chúng và truyền thông: Việt Nam đề nghị IAEA hỗ trợ trong việc thành lập Trung tâm Tư vấn và Thông tin hạt nhân để tổ chức các hoạt động thông tin đại chúng và truyền thông nhằm thúc đẩy cả ứng dụng hạt nhân và năng lượng hạt nhân và sự chấp nhận của công chúng đối với dự án ĐHN Ninh Thuận và dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân.
Ngoài ra, IAEA sẽ đào tạo để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên liên quan, chịu trách nhiệm hoạt động thông tin đại chúng và truyền thông.
Quản lý chất thải phóng xạ: IAEA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc quy hoạch và phát triển các cơ sở quản lý chất thải phóng xạ thông qua việc cung cấp các thiết bị cho phòng thí nghiệm chuyên ngành và xây dựng năng lực cho việc quản lý và xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Trong thời gian tới IAEA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân thông qua dựa án hợp tác kỹ thuật do Cục Năng lượng nguyên tử đề xuất.