Chiều 26/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện KH&CN nổi bật năm 2022 ở các lĩnh vực: cơ chế chính sách; khoa học xã hội; khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng; tôn vinh nhà khoa học.

Đây là năm thứ 17 hoạt động này được CLB Nhà báo KH&CN Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 40 hội viên công tác ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Năm 2022, sau hơn 2 năm bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội Việt Nam đã dần hồi phục. Các hoạt động nghiên cứu KH, CN và đổi mới sáng tạo cũng sôi động trở lại và đóng góp chung vào sự tạo đà hồi phục và tăng trưởng về mọi mặt của đất nước.

Từ đề cử của các hội viên, Ban Chủ nhiệm CLB đã chấm điểm, bình chọn 10 sự kiện KH&CN nổi bật của năm như sau:

Lĩnh vực cơ chế chính sách


Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN và ĐMST) đến năm 2030. Chiến lược này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KH&CN mà còn với toàn thể hệ thống chính trị bởi vai trò của KH, CN và ĐMST trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các nội dung của Chiến lược phát triển KH, CN và ĐMST đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở khoa học, có căn cứ thực tiễn và đồng bộ với những nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành về định hướng phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030.


Trong bối cảnh KH&CN ngày càng phát triển mạnh mẽ, xu thế toàn cầu hóa, các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã không còn phù hợp vì vậy cần phải điều chỉnh, sửa đổi bổ sung. Tại phiên họp ngày 16/6/2022 kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Đây là dự án luật khó, nội dung chuyên môn sâu, đòi hỏi các kiến thức liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thực tiễn áp dụng và sự am hiểu về cam kết quốc tế liên quan sở hữu trí tuệ; bảo đảm sau khi ban hành đưa Luật tiệm cận thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân, của doanh nghiệp.

3. Triển khai thí điểm bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Việc triển khai thí điểm xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) là nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ KH&CN. Thời gian qua, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã phối hợp các đơn vị thuộc Bộ KH&CN xây dựng khung chỉ số và nội dung hướng dẫn địa phương thực hiện thu thập dữ liệu phục vụ triển khai thí điểm đánh giá bộ chỉ số này.

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ KH&CN thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương. Khung bộ chỉ số PII gồm 51 chỉ số, trong đó có 15 chỉ số sẽ lấy dữ liệu từ các địa phương; 36 chỉ số lấy dữ liệu từ các bộ ngành và các tổ chức khác ở trung ương.

Lĩnh vực khoa học xã hội

4. Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức vào sáng 29/11/2022 tại Hà Nội nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Lĩnh vực khoa học tự nhiên

5. Làm chủ công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/cas9

Cây đu đủ thường (trái) và cây chỉnh sửa gen (phải) sau lây nhiễm virus PRSV trong điều kiện nhà lưới. Ảnh: NNC
Cây đu đủ thường (trái) và cây chỉnh sửa gen (phải) sau lây nhiễm virus PRSV trong điều kiện nhà lưới. Ảnh: NNC

Một trong những loại bệnh gây hại nhất trên cây đu đủ đang được các nhà khoa học ở Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam tìm cách giải quyết triệt để bằng công nghệ chỉnh sửa gen thông qua hệ thống CRISPR/Cas9 hay còn gọi lại "chiếc kéo phân tử", cho phép các nhà khoa học cải tạo giống cây trồng bằng cách tạo ra các đột biến theo định hướng.

Nhóm nghiên cứu Công nghệ tế bào thực vật tại Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết đã tiến hành nghiên cứu đầu tiên về chỉnh sửa gene eIF4E kháng virus PRSV trên cây đu đủ bằng công nghệ CRISPR/Cas9. Trước đó, để kiểm tra sự hiệu quả của hệ thống chỉnh sửa gen, nhóm đã nghiên cứu chỉnh sửa gen eIF4E trên cây mô hình là cây thuốc lá để đánh giá tính kháng virus PYV.

Hiện tại, nhóm tiếp tục phát triển công nghệ CRISPR/Cas9 trong nâng cao tính chống chịu với bệnh do nấm phấn trắng trên đậu tương, dưa chuột; tăng cường tính chịu mặn hay thiếu hụt dinh dưỡng của cây lúa; nâng cao giá trị dinh dưỡng của quả cà chua...

6. Nghiên cứu, chế tạo thành công phòng sạch đạt cấp độ cao nhất thế giới

tòa nhà Intech Group Business Hub, Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh.vneconomy.vn
Tòa nhà Intech Group Business Hub ở Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh. Nguồn: vneconomy.vn

Phòng sạch (còn gọi là cleanroom) là không gian kín mà tại đó môi trường hạt bụi kích thước micromet sẽ được kiểm soát dưới ngưỡng cho phép. Đây là môi trường ứng dụng trong nghiên cứu và sản xuất cho các lĩnh vực công nghệ cao như hàng không vũ trụ, bán dẫn, điện tử, quang học, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm.

Việc INTECH Group - doanh nghiệp chuyên sâu về lĩnh vực nhà xưởng và phòng sạch - nghiên cứu và chế tạo thành công phòng sạch đạt cấp độ cao nhất thế giới theo tiêu chuẩn NEBB Hoa Kỳ góp phần khẳng định và nâng cao vị thế KH&CN Việt Nam trên thế giới.

Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng

7. Ra mắt dòng chíp vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật cho lĩnh vực y tế

Cận cảnh con chip IoT y tế đầu tiên 'Made in Vietnam' của FPT Software.
Cận cảnh con chip IoT y tế đầu tiên 'Made in Vietnam' của FPT Software. Nguồn: chungta.vn

Dòng Chíp IC ra mắt tháng 9/2022 là dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) trong lĩnh vực y tế. FPT Semiconductor đã thiết kế sản xuất tấm wafer để trên nền này sản xuất ra các dòng chíp vi mạch khác nhau. Theo kế hoạch, FPT Semiconductor sẽ đưa ra thị trường thêm 7 dòng chíp khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô-tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

8. Ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam

Viettel
Viettel chính thức ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud vào tháng 10/2022. Nguồn: VGP

Được nghiên cứu và triển khai từ năm 2018, đến nay, hệ sinh thái Viettel Cloud (Hệ sinh thái đám mây) được đánh giá thuộc nhóm lớn nhất, hiện đại và an toàn nhất Việt Nam với quy mô 13 trung tâm dữ liệu trải rộng khắp 3 miền; hơn 9.000 rack; 60.000m2 mặt sàn.

Viettel Cloud bao gồm trung tâm dữ liệu (data center), các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ trên cloud cho đến các công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị, vận hành.

Hệ sinh thái Viettel Cloud được xây dựng từ các công nghệ lõi mã nguồn mở thông dụng, nổi tiếng trên thế giới như mã nguồn mở OpenStack (nền tảng được công nhận và lựa chọn trong bộ tiêu chuẩn Điện toán đám mây dành cho Chính phủ điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông), Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana…

Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học


Chủ tịch nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: TA
Chủ tịch nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: TA

Tối 23/11/2022, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai Giải thưởng cao quý nhất được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, trao tặng các nhà khoa học, tác giả, đồng tác giả của các công trình đặc biệt xuất sắc và có giá trị cao về KH&CN. Đây là những công trình có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước. Giải thưởng được triển khai từ năm 1996, cho đến nay đã có 6 đợt xét tặng. Trong đợt này, có 12 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước.


Chủ tịch
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Giải thưởng Chính VinFuture 2022 cho các nhà khoa học. Nguồn: Quỹ VinFuture

Tối 20/12/2022, lễ trao Giải thưởng VinFuture mùa 2 đã diễn ra tại Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội. Năm nhà khoa học phát minh và phát triển công nghệ mạng toàn cầu là chủ nhân của Giải thưởng Chính, trị giá 3 triệu USD.

VinFuture đánh giá các nghiên cứu một cách toàn diện, trong mối quan hệ đa chiều. Nhiều nghiên cứu có thể mãi mãi không đi đến đích hoặc ít được ứng dụng khi nằm riêng lẻ nhưng nếu kết nối chúng lại với nhau, đột phá có thể xảy ra. “Lăng kính” khác biệt giúp VinFuture tìm kiếm được các công trình có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người trên khắp thế giới trong hiện tại và cả tương lai.