Trước đây, giới khoa học tin rằng tổ tiên của con người thời tiền sử bắt đầu đi bằng hai chân khi họ mạo hiểm di chuyển từ rừng cây xuống môi trường xavan rộng mở hơn ở châu Phi.

Nhưng trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances vào tháng 12/2022, các nhà khoa học Anh và Mỹ đã tìm ra bằng chứng cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Cụ thể, khả năng đi thẳng bằng hai chân của con người có thể đã tiến hóa trên cây thay vì trên mặt đất.
Nhóm nghiên cứu đã dành 15 tháng để xem xét hành vi của 13 con tinh tinh trưởng thành hoang dã tại Thung lũng Issa ở phía Tây Tanzania, nơi có sự pha trộn giữa vùng đất trống khô cằn và những mảng rừng. Kiểu môi trường này tương tự như môi trường mà tổ tiên loài người sinh sống. Nhóm nghiên cứu đã ghi chép mọi thời điểm tinh tinh đứng thẳng [ở trên mặt đất hay trên cây] và so sánh dữ liệu với các trường hợp tinh tinh đứng bằng hai chân sống trong rừng rậm ở những khu vực khác của châu Phi.

Họ phát hiện tinh tinh sống trong môi trường xavan ở Thung lũng Issa dành nhiều thời gian trên cây giống như đồng loại của chúng sống hoàn toàn trong rừng rậm ở những nơi khác. Ngoài ra, hơn 85% số lần tinh tinh đi thẳng đứng trên cây chứ không phải trên mặt đất. Ngay cả khi tinh tinh di chuyển xuống bãi đất trống hoặc đồng cỏ, chúng vẫn không có xu hướng đi theo tư thế thẳng đứng.

“Để tiếp cận những khu vực rậm rạp hơn của tán rừng trong quá trình tìm kiếm thức ăn, tổ tiên con người đã phải tích cực di chuyển và phát triển khả năng đi bằng hai chân, bởi vì các chi trên được sử dụng thường xuyên để nắm lấy cành cây ngay phía trên họ”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Nguồn: CNN, Newatlas