Các nhà khoa học tin chắc rằng số ca nhiễm virus luôn cao hơn ở các khu vực đô thị nơi có tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Ảnh: Flickr
Được biết virus West Nile, lần đầu được tìm thấy ở Uganda vào năm 1937, là một loại virus thuộc họ flavivirus. Các loại virus khác trong nhóm virus này thường gây ra bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và viêm não Nhật Bản. Chúng thường được truyền bởi bọ ve và muỗi.
Virus West Nile phổ biến ở châu Phi, châu Á, vùng Địa Trung Hải và được lây lan ở Úc và Mỹ. Virus thường lưu thông trong quần thể chim qua muỗi đốt . Thỉnh thoảng, người cũng nhiễm bệnh sau khi bị muỗi đốt. Cứ 5 người bị nhiễm thì các triệu chứng của bệnh chỉ xuất hiện ở một người. Ở hầu hết các bệnh nhân, bệnh giống như cúm và một vài ngày là khỏi. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, virus ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, tình trạng của họ rất nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân như vậy là cao.
Ở Mỹ, virus đã xuất hiện từ những năm 1990. Trong thời gian này, gần 2.000 bệnh nhân chết vì bệnh này và số lượng một số loài chim Bắc Mỹ giảm đáng kể.
Vì ánh sáng rực rỡ vào ban đêm ảnh hưởng đến nồng độ corticosteroid và các hormone khác gây stress trong các loài chim, nên chuyên gia miễn dịch học sinh thái Meredith Kernbach ở Đại học South Florida, Mỹ và các cộng sự đã quyết định tìm hiểu xem mức độ chiếu sáng về đêm liên quan đến việc chim làm lây lan sốt West Nile như thế nào.
Khoảng 50 con chim sẻ đã tham gia vào thử nghiệm, chúng được các nhà khoa học cố tình gây nhiễm virus. Một nửa trong số những chú chim sẻ được nhốt trong những chiếc lồng được chiếu sáng vào ban đêm, một nửa thứ hai ở trong những chiếc lồng tối . Các nhà nghiên cứu đã kiểm soát trọng lượng của chim, nồng độ tập trung virus trong máu và nồng độ các hormone gây stress.
Kết quả, số chim sẻ bị bệnh ở cả hai nhóm xấp xỉ bằng nhau. Hầu hết số chim đều mắc các triệu chứng của bệnh trong vòng 2 ngày và gần một nửa số chim sẻ trong mỗi nhóm đều đã chết vì bệnh.
Thời gian ủ bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh ở 2 nhóm không khác nhau. Nhưng chim sẻ ở lồng tối vào ban đêm sau hai ngày đầu tiên là hệ miễn dịch khống chế được virus và lượng virus trong máu không còn đủ để lây nhiễm muỗi khi muỗi hút máu để lây nhiễm tiếp cho những con chim khác. Những con chim sẻ ở trong lồng cả đêm được chiếu sáng, vẫn có khả năng truyền nhiễm virus thêm 2 ngày nữa.
Vì vậy, các nhà khoa học tin chắc rằng số ca nhiễm virus luôn cao hơn ở các khu vực đô thị nơi có tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Nhà nghiên cứu Meredith Kernbach khẳng định rằng trong trường hợp này hormone melatonin, gắn liền với hệ miễn dịch, đóng vai trò quan trọng.