Đến nay vẫn chưa có biện pháp nào được chứng minh là hiệu quả trong điều trị các triệu chứng hậu COVID, mới chỉ có một số biện pháp bắt đầu bước vào giai đoạn thử nghiệm.

Căn bệnh phức tạp

Rào cản chính trong việc phát triển các phương pháp điều trị hậu COVID (hay COVID kéo dài) là vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này. Trong hai năm qua đã có một số giả thuyết. Có bằng chứng cho thấy các mảnh của SARS-CoV-2 còn tồn tại trong cơ thể sau khi khỏi bệnh, kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, tạo ra các kháng thể tấn công nhầm vào các protein của cơ thể, gây ra tổn thương kéo dài rất lâu sau khi đã khỏi bệnh cấp tính. Cũng có bằng chứng cho thấy COVID-19 gây ra các cục máu đông cực nhỏ, ngăn dòng oxy đến các mô. Cũng có thể nguyên nhân là nhiễm trùng SARS-CoV-2 tàn phá hệ vi sinh vật đường ruột.

Những giả thuyết này không loại trừ lẫn nhau: nhiều nhà nghiên cứu cho rằng COVID kéo dài có thể có nhiều nguyên nhân. Nhưng vấn đề là mỗi một giả thuyết đòi hỏi một dạng thuốc điều trị khác nhau. Nếu tàn dư của SARS-CoV-2 là nguyên nhân, thì cần thuốc kháng virus. Nếu phản ứng miễn dịch quá mức là nguyên nhân thì cần thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, và nếu máu đông là nguyên nhân thì cần chất chống đông máu.

Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm kiếm các bằng chứng, nhưng đến nay liên kết của bất kỳ nguyên nhân nào trong số này với hậu COVID dài vẫn chưa đủ mạnh. Do đó các tổ chức nghiên cứu y tế vẫn do dự chưa triển khai các thử nghiệm lâm sàng điều trị hậu COVID.

Nếu COVID kéo dài là do tổ hợp một số nguyên nhân, một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn có thể bị kết luận sai lầm là không hiệu quả trong một thử nghiệm lâm sàng, vì nó được dùng cho sai nhóm bệnh nhân, nhà dịch tễ học Martin Landray tại Đại học Oxford lưu ý.

Cũng không có danh sách các nhóm triệu chứng chính để phân loại các bệnh nhân hậu COVID thành các nhóm với các nguyên nhân bệnh khác nhau. Hơn 200 triệu chứng đã được ghi nhận là có liên quan đến hậu COVID, và nhiều triệu chứng trong số đó - chẳng hạn như mệt mỏi và sương mù não - khó có thể được đánh giá một cách khách quan.

Tất cả những điều này làm phức tạp hóa thiết kế thử nghiệm lâm sàng, Landray, kiến ​​trúc sư của RECOVERY, một thử nghiệm lớn ở Vương quốc Anh về các phương pháp điều trị COVID-19 cấp tính cho biết.

Ảnh minh họa

Có một số thử nghiệm đang được thực hiện. Một số thử nghiệm cố gắng điều chỉnh các phản ứng miễn dịch quá mức, sử dụng các loại thuốc quen thuộc, chẳng hạn như colchicine, thuốc chống viêm điều trị bệnh gút và hiện nay thường được kê cho những người bị hậu COVID. Một số thử nghiệm khác thì sử dụng các loại thuốc đã cho thấy tác dụng nhất định trong điều trị COVID-19 cấp tính, bao gồm steroid và các chất ức chế miễn dịch khác, chẳng hạn như sirolimus, thường được sử dụng để ngăn chặn đào thải nội tạng sau khi cấy ghép. Các thử nghiệm này đều là nhỏ lẻ và đến nay vẫn chưa có kết quả.

Một hướng tiếp cận khác là điều trị các triệu chứng, chẳng hạn như mệt mỏi, yếu cơ, khó ghi nhớ và tập trung. Nhà tâm thần học và dược học Roger McIntyre tại Đại học Toronto Canada đang ghi danh người tham gia thử nghiệm vortioxetine, thuốc chống trầm cảm đã được chứng minh là giúp tăng cường nhận thức, để xem liệu thuốc này có làm giảm các tình trạng thần kinh liên quan đến hậu COVID hay không.

Một bác sĩ khám cho một bệnh nhân hậu COVID tại một bệnh viện ở Tel Aviv, Israel.

Cần tránh những cách “điều trị” vô căn cứ

Nhiều người bị hậu COVID đang tìm cách tự mình điều trị. Một số đã sử dụng kết hợp các loại thuốc chống đông máu, để tái tạo một liệu pháp gồm ba loại thuốc chống đông máu được sử dụng trong một thử nghiệm nhỏ với 24 bệnh nhân hậu COVID. Tuy nhiên thử nghiệm đó không có nhóm đối chứng và chưa được bình duyệt, các nhà nghiên cứu lưu ý. Nhiều bệnh nhân thì tìm đến các phòng khám để thực hiện apheresis, một thủ thuật lọc máu với mục đích loại bỏ các cục máu đông hoặc protein có thể thúc đẩy viêm nhiễm. Thủ thuật này có giá hàng nghìn USD và cũng chưa được chứng minh hiệu quả, bác sĩ tim mạch Rae Duncan tại NHS Foundation Trust, Vương quốc Anh, người đang tổ chức một thử nghiệm lâm sàng thuốc chống đông máu trong điều trị hậu COVID, cảnh báo.

Vì chưa có cơ sở bằng chứng chắc chắn, một số bác sĩ lo lắng về tác hại tiềm ẩn từ các phương pháp "điều trị" hậu COVID. Shinichiro Morioka, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thuộc Trung tâm Y tế và Sức khỏe Toàn cầu Quốc gia ở Tokyo, nói rằng một số bác sĩ đang sử dụng liệu pháp mài mòn vòm họng, trong đó cổ họng bệnh nhân được cạo bằng tăm bông tẩm kẽm clorua. Mục đích là để giảm viêm tại vị trí quan trọng này. Một số bác sĩ cho biết họ đã đạt được kết quả đầy hứa hẹn bằng biện pháp này, trong các thử nghiệm nhỏ không có nhóm chứng. Morioka nói: “Nhưng tôi không nghĩ rằng điều này là dựa trên bằng chứng và nó có thể làm hại bệnh nhân. Cần có các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng.” Hiện tại, Morioka không biết về bất kỳ thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng nào đối với phương pháp điều trị COVID kéo dài này ở Nhật Bản.

Một số người bị COVID kéo dài đã gặp phải các bác sĩ thúc ép họ tập thể dục nhiều hơn. Và một số bác sĩ vẫn đang ủng hộ một hình thức trị liệu gây tranh cãi này, được gọi là liệu pháp tập thể dục tăng dần, Duncan nói. Nhưng thực tế liệu pháp tập thể dục tăng dần, bắt đầu với các bài tập thể dục bệnh nhân có thể thực hiện được và tăng dần cường độ, đã được chứng minh là làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính và viêm cơ não tủy. Đây cũng không phải là một liệu pháp nên đưa ra cho bệnh nhân hậu COVID, theo Duncan.

Đến nay vẫn chưa có phương pháp nào được chứng minh hiệu quả trong điều trị hậu COVID, và nhiều bệnh nhân cảm thấy không còn hy vọng. Một bệnh nhân hậu COVID, Bhasha Mewar, trong hai năm quađã dành gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm được của mình để gặp các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và hô hấp, bác sĩ huyết học, tiết niệu, bác sĩ da liễu và hơn thế nữa, trong nỗ lực tuyệt vọng để khắc phục các triệu chứng hậu COVID. Mewar đã được kê đơn nhiều loại thuốc, từ thuốc hít steroid đến thuốc chống sốt rét, hay được khuyên "tập thể dục", nhưng tất cả đều không hữu ích. Mewar cho biết đã ngừng gặp bác sĩ, và tự uống các loại vitamin tham khảo được từ những bệnh nhân hậu COVID khác.“Tôi đã ngừng cố gắng giải thích cho mọi người hiểu đây là cái gì. Tôi chỉ cố gắng chăm sóc sức khỏe của chính mình," cô nói.

Để tìm ra cách điều trị hậu COVID, các nhà nghiên cứu cần tiến hành các thử nghiệm quy mô lớn, được thiết kế tốt. Và các nhà nghiên cứu cá nhân rất khó thiết lập được các thử nghiệm như vậy.

Tại Mỹ, một nghiên cứu lớn có tên là RECOVER cho đến nay chủ yếu tập trung vào việc xác định đặc điểm COVID dài, thay vì thử nghiệm các phương pháp điều trị tiềm năng. Nhưng vào đầu năm nay, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã đưa ra khoản đầu tư 1,15 tỷ USD để kêu gọi các đề xuất nghiên cứu về biện pháp can thiệp, điều trị hoặc phòng ngừa hậu COVID.

Và tại Vương quốc Anh, một thử nghiệm lớn có tên là STIMULATE-ICP, đã bắt đầu tuyển người tham gia. Thử nghiệm sẽ kiểm tra một số loại thuốc trong điều trị hậu COVID, bao gồm: colchicine chống viêm; hai loại thuốc kháng histamine, famotidine và loratadine; và một loại thuốc chống đông máu, rivaroxaban.

Nguồn: