Khi bệnh gút bùng phát, các cơn đau khớp thường xuyên hành hạ. Nhưng đó không phải là nỗi lo duy nhất liên quan đến tình trạng viêm khớp phổ biến này. Một nghiên cứu mới của Anh cảnh báo rằng bệnh gút bùng phát làm tăng gấp đôi nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ trong hai tháng sau đó.

Các nhà nghiên cứu p
hát hiện ra rằng, dù ở mức độ thấp hơn, nguy cơ bệnh tim gia tăng vẫn tồn tại thậm chí từ ba đến bốn tháng sau khi bùng phát bệnh gút, mức nguy cơ lớn hơn khoảng 1,5 lần so với bình thường.

Tác giả nghiên cứu Abhishek Abhishek, giáo sư khoa thấp khớp tại Đại học Nottingham, Anh cho biết: “Bệnh gút thường xảy ra cùng với các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường và bệnh thận."

Để xem liệu các cơn bùng phát bệnh gút cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ hay không, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của hơn 62.500 bệnh nhân gút người Anh từ năm 1997 đến năm 2020. Trong khoảng thời gian đó, gần 10.500 bệnh nhân bị đau tim hoặc đột quỵ sau khi được chẩn đoán mắc bệnh gút.

Nghiên cứu ngược lại, các nhà điều tra nhận thấy những bệnh nhân này có nguy cơ bị bùng phát bệnh gút trong hai tháng trước đó cao gấp hai lần. Họ cũng có nguy cơ bị bùng phát ba đến bốn tháng trước đó cao gấp 1,5 lần.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Phát hiện này vẫn được duy trì ngay cả sau khi loại trừ tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tim hoặc đột quỵ trước khi biết mình bị bệnh gút.

Hơn nữa, những bệnh nhân gút tử vong do đau tim hoặc đột quỵ có tỷ lệ mắc bệnh gút bùng phát trong 60 ngày trước đó cao gấp 4 lần. Và khả năng một cơn bùng phát xảy ra từ ba đến bốn tháng trước đó đã tăng gấp đôi.

Abhishek nhấn mạnh rằng nguy cơ gia tăng chỉ là tạm thời và giảm xuống hoàn toàn sau 4 tháng. Tuy nhiên, các kết quả cho thấy cơn bùng phát bệnh gút có liên quan đến sự gia tăng các biến cố tim mạch.

Tại Hoa Kỳ, National Kidney Foundation cho biết khoảng 4% người Mỹ trưởng thành bị bệnh gút. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, tình trạng này bắt nguồn từ sự tích tụ axit uric dư thừa và nó thường ảnh hưởng đến từng khớp một (thường là khớp ngón chân cái). Abhishek nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa bùng phát bệnh gút và nguy cơ mắc bệnh tim nghiêm trọng.

Abhishek nói: “Chúng tôi chỉ có thể nói vào thời điểm này rằng có một mối tương quan."

Tuy nhiên, ông cho rằng phát hiện này có "tính hợp lý về mặt sinh học." Và ông lưu ý rằng thiết kế nghiên cứu là nghiêm ngặt và kỹ lưỡng, có tính đến một loạt các yếu tố có thể ảnh hưởng, chẳng hạn như các vấn đề sức khỏe khác của bệnh nhân, tiền sử thuốc theo đơn, nền tảng kinh tế và lựa chọn lối sống.

May mắn thay, nhiều bệnh nhân gút đã kiểm soát được tình trạng mãn tính, ngăn ngừa các đợt bùng phát thường xuyên thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống và / hoặc bằng cách dùng thuốc giúp giảm nồng độ axit uric. Một câu hỏi được đặt ra là liệu những bệnh nhân này có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim gia tăng tương tự hay không. Abhishek cho biết cần có những nghiên cứu sâu hơn để điều tra câu hỏi đó.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố ngày 2 tháng 8 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu khác đồng ý rằng mặc dù phát hiện này không chứng minh rằng bùng phát bệnh gút thực sự gây ra các cơn đau tim hoặc đột quỵ, nhưng kết luận của nhóm nghiên cứu là phù hợp với những gì chúng ta biết về chứng viêm là nguyên nhân gây ra các cơn đau tim do nhiễm trùng và do rối loạn chuyển hóa.

Hơn nữa, những quan sát lâm sàng trước đây và một lượng lớn bằng chứng từ nghiên cứu trên động vật và con người gợi ý rằng rất có thể có mối liên hệ nhân quả.

Vì vậy trong cơn bệnh gút, bệnh nhân nên nhận thức được nguy cơ đau tim gia tăng và nên cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng của cơn đau tim và đột quỵ, đồng thời tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức để điều trị.

Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2022-08-gout-flare-ups-heart-disease-weeks.html