Đừng hoảng sợ nếu tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh khiến bạn bối rối không biết phải làm gì, nghiên cứu mới cho thấy việc "giải mã" tiếng khóc này là một công việc cần có kinh nghiệm.

Có thể biết liệu em bé khóc vì bị đau hay đói hay không thoải mái, v.v... là thông tin quan trọng đối với cha mẹ và người chăm sóc. Nhưng đây không phải là một kỹ năng bẩm sinh mà người lớn nào cũng sẵn có; nghiên cứu mới cho thấy để hiểu được sự khác biệt giữa các tiếng khóc của trẻ sơ sinh, cần có kinh nghiệm.

Tác giả nghiên cứu, Siloé Corvin cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng người lớn có thể nhận ra sự khác biệt giữa tiếng khóc là dấu hiệu đau đớn hay chỉ hơi khó chịu, nhưng chỉ khi họ đã có kinh nghiệm trước đó."

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Nghiên cứu của nhóm Corvin được công bố trên tạp chí Current Biology cho thấy cha mẹ có con nhỏ giải mã tiếng khóc của trẻ tốt hơn nhiều so với những người lớn có ít hoặc không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh.

Mặc dù điều này có vẻ không đáng ngạc nhiên, nhưng các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các bậc cha mẹ có thể phân biệt được đâu là tiếng khóc đau đớn và đâu là tiếng khóc khó chịu của những đứa trẻ mà họ chưa từng gặp hoặc nghe tiếng trước đây. Trong khi đó những cá nhân thiếu kinh nghiệm không thể làm như vậy.

Hơn 200 người tham gia với các mức độ kinh nghiệm chăm sóc trẻ em khác nhau đã được cho nghe tám bản ghi âm tiếng khóc của một đứa trẻ. Sau đó, họ phải phân biệt giữa tiếng kêu đau do tiêm vắc-xin và tiếng kêu khó chịu được ghi lại khi tắm.

Khả năng phân biệt của họ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu họ đã từng tiếp xúc với trẻ sơ sinh trước đây hay chưa. Những người lớn thiếu kinh nghiệm gần như không phân biệt được, còn các bậc cha mẹ và các chuyên gia chăm sóc trẻ em thường xuyên tiếp xúc với trẻ sơ sinh thì phân biệt đúng 70% số bản ghi âm.

Nghiên cứu này là một phần của chương trình nghiên cứu lớn hơn nghiên cứu cách thông tin được mã hóa và truyền đạt trong tiếng khóc của trẻ sơ sinh.

Corvin nói: “Trẻ sơ sinh phải thể hiện sự đau đớn hoặc khó chịu của chúng thông qua tiếng khóc. Cũng có nhiều cách khác để biết em bé có bị đau hay không, chẳng hạn như biểu hiện trên khuôn mặt hoặc tư thế của chúng, nhưng tiếng khóc là thông tin quan trọng về cảm giác của em bé."

Các tác giả cho biết khả năng giải mã tiếng khóc của trẻ sơ sinh có thể phát triển từ những thay đổi sinh học thần kinh trong quá trình làm cha mẹ và chăm sóc trẻ sơ sinh.

“Khả năng phân biệt giữa đau và khó chịu sẽ xuất hiện rất nhanh ở những người tiếp xúc với trẻ sơ sinh," Corvin nói. “Khi trẻ được hai hoặc ba tháng tuổi, hầu hết các bậc cha mẹ đều biết những tiếng khóc khác nhau có ý nghĩa như thế nào”.

Nhưng bạn không cần phải là cha mẹ để học cách giải mã tiếng khóc của trẻ sơ sinh, Corvin cho biết thêm: “Bất kỳ sự tiếp xúc nào với trẻ sơ sinh - chăm sóc nhi khoa, trông trẻ và thậm chí nghe các bản ghi âm - đều có thể giúp điều chỉnh tai của bạn để phân biệt giữa các âm thanh tiếng khóc khác nhau."

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/aug/08/deciphering-a-babys-cries-down-to-experience-research-finds