Một nhóm các chuyên gia y tế, bác sĩ lâm sàng, dịch tễ học gần đây đã công bố kết quả nghiên cứu mới, tiết lộ tỷ lệ xuất hiện các di chứng sau cấp tính của nhiễm trùng SARS CoV-2, còn được gọi là "COVID kéo dài".
Nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, bao gồm dữ liệu từ 8 làn sóng COVID-19, các cuộc khảo sát trực tuyến trải dài trên tất cả 50 tiểu bang của Mỹ, và dữ liệu thu thập 6 tuần một lần của hơn 16.000 bệnh nhân từ 5/2/2021 đến 6/7/2022.
Hình minh họa. Nguồn: Đại học Northeastern
Mauricio Santillana, giáo sư tại Đại học Northeastern, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết nhóm sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu để tinh chỉnh hiểu biết về COVID kéo dài, được định nghĩa trong nghiên cứu này là "sự tồn tại của các triệu chứng COVID-19 sau 2 tháng". Nhưng ngay bây giờ, nghiên cứu đã đưa ra những số liệu đáng ngạc nhiên về sự phổ biến của COVID kéo dài.
Santillana nói: “Chúng tôi đã xác định được phụ nữ có nguy cơ mắc COVID kéo dài cao hơn, gần gấp đôi so với nam giới".
Nhóm chưa đưa ra được lời giải thích tại sao COVID kéo dài có thể phổ biến hơn ở phụ nữ, nhưng họ cho biết kết quả của nghiên cứu này sẽ mở đường cho các nghiên cứu sâu hơn.
Santillana nói: “Thật khó hiểu, nhưng dựa vào đây các bác sĩ có thể bắt đầu xem xét liệu có cơ chế nào đó khiến COVID có thể tồn tại lâu hơn trong cơ thể phụ nữ hay không".
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người lớn tuổi có nguy cơ mắc COVID kéo dài cao hơn người trẻ tuổi. Nguy cơ mắc COVID kéo dài tăng lên mỗi 10 năm một bậc, khi bệnh nhân COVID-19 trên 40 tuổi.
Santillana cho biết dữ liệu của nhóm cũng chỉ ra rằng mỗi biến thể mới của COVID-19 cho đến nay lại ít gây ra COVID kéo dài hơn so với biến thể trước. Tuy nhiên chưa có đủ dữ liệu để xác nhận chắc chắn liệu tình trạng này có tiếp tục ở các biến thể sau này hay không.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ nhiễm COVID kéo dài là khoảng 15% ở người lớn Hoa Kỳ, nhất quán với tỷ lệ mà các nghiên cứu tương tự ở các quốc gia khác tìm thấy.
“Nếu tỷ lệ này là đúng, cứ 1 trong 10 hoặc 1 trong 9 bệnh nhân COVID-19 sẽ mắc COVID kéo dài, điều này đáng lo ngại", Santillana nói.
Các nhà nghiên cứu và các chuyên gia y tế vẫn đang làm việc để hiểu rõ hơn về COVID kéo dài và Santillana cho biết mọi thông tin về các tình trạng hậu COVID đều có giá trị. Các triệu chứng có thể rất khác nhau, từ mệt mỏi liên tục, kéo dài đến các vấn đề về hô hấp và tim, và thậm chí có thể nghiêm trọng trong một số trường hợp.
Nghiên cứu mới cũng cho thấy vaccine giúp giảm thiểu nguy cơ mắc COVID kéo dài. Những người đã tiêm hai liều vaccine COVID-19 có nguy cơ mắc COVID kéo dài thấp hơn 30%.
Santillana hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu cho đến mùa hè năm sau để tiếp tục tìm hiểu thêm về COVID kéo dài, giúp cung cấp thông tin cho các bác sĩ lâm sàng và quan chức y tế công cộng về tác động của COVID-19 ngoài bệnh cấp tính ban đầu.
"COVID-19 sẽ lây lan trong nhiều năm tới, vì vậy đây vẫn sẽ là một vấn đề cần quan tâm", Santillana nói. "Mô tả các rủi ro liên quan đến COVID kéo dài và tìm ra cách điều trị tốt hơn là cách để chúng ta có thể sống chung với đại dịch".
Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2022-11-women-higher-covid.html