Những người thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chế biến có nguy cơ cao về bệnh tiểu đường hơn là những người có chế độ ăn nhiều thực phẩm tự nhiên.

Thực phẩm chế biến thường chứa nhiều đường, chất béo và calo rỗng. Từ lâu, các thực phẩm này đã được chứng minh là làm gia tăng một loạt các nguy cơ cho sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, huyết áp cao, tăng cholesterol, béo phì, thậm chí một số bệnh ung thư. Mới đây, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Paris 13 (Pháp) cung cấp bằng chứng mới cho thấy những thực phẩm chế biến sẵn có liên quan nhiều đến bệnh tiểu đường Type 2.

Hình minh họa. Nguồn:europeanscientist

Nghiên cứu chỉ ra, trong số 100.000 người ăn nhiều thực phẩm chế biến, có 166 người mắc bệnh tiểu đường, trong khi với 100.000 người chỉ ăn một lượng nhỏ thực phẩm này, con số là 116 người.

Tác giả chính của nghiên cứu Bernard Srour cũng chỉ ra rằng, những người muốn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ, soda đã pha chế và các loại đồ uống có đường khác. Nên ăn nhiều sữa chua, rau, ngũ cốc và các loại hạt.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ hơn 104.000 người trưởng thành không mắc bệnh tiểu đường. Những người tham gia có độ tuổi trung bình 43 khi bắt đầu nghiên cứu. Họ được theo dõi trong ít nhất sáu năm.

Nhìn chung khoảng 17% thực phẩm của người tham gia có nguồn gốc chế biến sẵn. Những người tiêu thụ nhiều thực phẩm này có xu hướng ăn nhiều calo hơn, chất lượng chế độ ăn thấp hơn, có nhiều khả năng bị béo phì và hạn chế vận động. Trong thời gian nghiên cứu, 821 người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.

Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu, cứ tăng thêm 10% lượng thực phẩm chế biến trong chế độ ăn uống của người tham gia thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 15%.

Nghiên cứu không được thực hiện để xác định liệu thực phẩm chế biến có thể trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường hay không. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng có thể thấy rõ vai trò của các chất phụ gia hóa học và chế biến công nghiệp đã làm thay đổi cấu trúc tế bào của thực phẩm.

Thực phẩm chế biến có các đặc tính kích thích tiêu thụ quá mức và được lựa chọn thay thế các thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc, trái cây và rau quả, bởi sự tiện lợi, khả năng tiếp cận, khả năng chi trả, và sự tiếp thị quảng bá mạnh mẽ.

Người tiêu dùng có thể dễ dàng xác định một sản phẩm chế biến khi kiểm tra thành phần của sản phẩm và thấy đó là danh sách dài với rất nhiều tên gọi hóa học.

Nguồn: