Theo ước tính khắp thế giới có khoảng 100.000 bệnh nhân mắc bệnh tim nặng phải chờ ghép tim, trong khi tim hiến tặng chỉ khoảng 4.000.

Một con số khác cũng đáng suy nghĩ, chỉ tại châu Âu và nước Mỹ có hơn 20 triệu người bị suy tim nặng và 40% số đó tử vong trong năm tiếp theo sau khi nhập viện lần đầu tiên. Như thế, thị trường tim nhân tạo thật sự mênh mông và nhiều tiềm năng về lợi nhuận. Trong khi sản phẩm của Carmat chưa ra mắt, thì sản phẩm của Syncardia chiếm 96% thị trường ghép tim nhân tạo hiện nay.

Nó không rẻ chút nào, khoảng 125.000 USD một trái tim. Về phần mình, Carmat cho biết khi tung ra thị trường, sản phẩm sẽ có giá từ 140.000 – 160.000 euro, bằng giá một lần ghép tim người.

Thách thức sau cùng rất khó giải quyết vì trái tim quá tinh xảo và sử dụng nguồn pin từ bên ngoài thông qua các dây dẫn kết nối vào tim... Ảnh: TL

Nhưng không chờ sản phẩm chính thức có mặt trên thị trường, những năm qua cổ phiếu của Carmat luôn ở mức cao. Cuối năm 2013, trước ca ghép tim đầu tiên cổ phiếu công ty tăng từ 105 euro lên 150 euro, trước khi trở lại mức ban đầu. Cuối tháng 10 qua, sau ca ghép tim Carmat thành công tại Kazakhstan, cổ phiếu công ty cũng tăng hơn 7%. Giới đầu tư tin tưởng vào dự án này vì phía sau là tập đoàn Airbus sản xuất máy bay, vũ khí, thiết bị hàng không nổi tiếng, chưa kể về mặt khoa học nó được hậu thuẫn của GS Alain Carpentier, bậc thầy tim mạch thế giới.

Tuy nhiên, phía trước của Carmat vẫn còn nhiều thách thức lớn. Trong cuộc chạy đua với đối thủ Syncardia, nó vẫn ở phía sau rất nhiều vì bệnh nhân sống lâu nhất với quả tim này lên đến bốn năm, trong khi đến nay kỷ lục lâu nhất của người mang tim Carmat chỉ là… 274 ngày.

Để có thể nhận được cho phép của cơ quan chuyên môn để tung ra thị trường, trong năm 2017 và 2018 Carmat cần hoàn thành thử nghiệm lâm sàng trên người, trong đó mọi bệnh nhân phải sống ít nhất 180 ngày sau ghép tim.

Khi trả lời phỏng vấn tờ Les Echos của Pháp vào năm 2016, GS Carpentier cho biết thách thức đầu tiên là thu nhỏ quả tim Carmat thêm nữa, điều này khá khả thi, vì đội ngũ Matra rất tài năng và họ có nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ.

Thách thức tiếp theo về mặt y khoa, khi phần lớn người cần thay tim đều lớn tuổi và một số cơ quan quan trọng trong người cũng bị tổn thương nặng (suy gan, suy thận), vì thế ghép tim có nhiều nguy cơ thất bại. Trở ngại này sẽ được giải quyết bằng cách chọn lựa bệnh nhân trẻ hơn và ít bị các tổn thương nặng kèm theo.

Thách thức sau cùng rất khó giải quyết, vì trái tim quá tinh xảo và sử dụng nguồn pin từ bên ngoài thông qua các dây dẫn kết nối vào tim. Ông nói: “Đây chính là gót chân Achille của tim nhân tạo nói chung”.

BS Nguyễn Minh Trí Viên, trưởng nhóm phẫu thuật tim trẻ em của viện Tim TP.HCM, một trong những người khá gần gũi với GS Alain Carpentier và hiểu biết về tim Carmat nói: “Một cỗ máy càng tinh vi thì khi sự cố xảy ra càng khó giải quyết. Đã có bệnh nhân ghép tim Carmat về nhà và tử vong vì pin gặp vấn đề. Một chiếc xe hư có thể dừng lại để sửa chữa, còn tim nhân tạo hư sửa chữa như thế nào? Chưa kể vấn đề bảo trì, bảo dưỡng của một trái tim đặt trong người cũng rất khó. Về nguồn năng lượng, tim sử dụng pin để bên ngoài và phải sạc mỗi ngày. Pin nối với tim qua dây dẫn, như thế nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra. Có thể giải quyết điều này bằng truyền điện không dây. Nhưng khi truyền điện không dây, nếu kết nối sai, bệnh nhân không nhận biết được, điện không vào họ sẽ chết. Vậy biện pháp dự phòng ở đây là gì?”.

Vì điều này mà mặc dù có nhiều hứa hẹn, nhưng bản thân GS Carpentier cũng thừa nhận “ghép một trái tim nhân tạo còn khó hơn cả việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo”.