Các nhà khoa học vừa tìm ra mối liên hệ giữa chứng rối loạn tự kỷ và các protein trong máu, cho phép phát hiện chính xác chứng rối loạn này bằng cách xét nghiệm máu.

Naila Rabbani và cộng sự tại Đại học Warwick (Anh) đã tiến hành các thử nghiệm liên quan đến việc tìm kiếm những protein bị tổn thương trong máu thông qua biện pháp xét nghiệm máu và nước tiểu, theo IFL Science. Phương pháp này có thể được dùng để phát hiện chứng rối loạn tự kỷ (ASD). Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecular Autism hôm 19/2.

Các nhà khoa học có thể phát hiện bệnh tự kỷ bằng cách xét nghiệm máu. Ảnh: Shutterstock.
Các nhà khoa học có thể phát hiện bệnh tự kỷ bằng cách xét nghiệm máu. Ảnh: Shutterstock.

"Khám phá của chúng tôi có thể giúp chẩn đoán ASD để có những biện pháp can thiệp sớm hơn. Chúng tôi hy vọng rằng, các xét nghiệm này cũng sẽ tiết lộ thêm yếu tố gây bệnh mới", Rabbani cho biết.

Nhóm nghiên cứu xét nghiệm mẫu máu và nước tiểu của những trẻ em từ 5 – 12 tuổi. Các em được chia thành hai nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất gồm 38 em (29 bé trai và 9 bé gái) được chẩn đoán mắc ASD. Nhóm kiểm soát còn lại gồm 31 em khỏe mạnh (23 bé trai và 8 bé gái).

Kết quả cho thấy, có sự khác biệt về thành phần hóa học trong mẫu máu và nước tiểu của hai nhóm. Những đứa trẻ mắc ASD có nồng độ cao hơn của ditryosine (DT) và một số hợp chất gọi là các sản phẩm glycat hóa bền vững (advanced glycation endproducts - AGEs).

Sau khi sử dụng một thuật toán để sàng lọc dữ liệu, nhóm nghiên cứu cho biết kết quả của họ tốt hơn bất kỳ phương pháp nào hiện có để phát hiện ASD, chính xác đến 90%. Phương pháp này không chỉ giúp phát hiện các nguyên nhân hiện tại gây ra căn bệnh ASD, mà còn phát hiện thêm những nguyên nhân mới.

ASD có thể gây ra nhiều vấn đề về hành vi, chẳng hạn như hành vi cưỡng bức, các vấn đề về lời nói, tâm trạng lo lắng... Khoảng 1% số người trên thế giới mắc ASD, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống hằng ngày của họ.