“Dù không có trái tim, anh vẫn yêu em”
Cách đây 36 năm, ngày 2.12.1982, bên ngoài bệnh viện đại học Utah (Mỹ) hàng trăm phóng viên của Mỹ và khắp thế giới nín thở chờ đợi thông tin một sự kiện hấp dẫn không thua gì phim kinh dị, đó là bác sĩ ngoại khoa William DeVries lấy một trái tim người ra và lắp vào đó trái tim nhân tạo.
Bệnh nhân là Barney Clark, một nha sĩ hơn 50 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối chỉ còn sống được vài tuần. Thực tế không còn giải pháp nào để điều trị cho Barney, ông chỉ còn cách ghép tim người, nhưng lại không đủ tiêu chuẩn để ghép. Trước đó, bác sĩ DeVries thuyết phục Barney thay tim nhân tạo bằng cách dẫn ông xem tận mắt việc thay tim thành công ngoạn mục trên một con bò, nhưng Barney… từ chối.
Tuy nhiên, đến lễ Tạ ơn năm đó Barney thay đổi quyết định, và nói với vợ mình: “Trong bốn năm qua anh đã sống được nhờ đủ loại thuốc men và giải pháp điều trị mà để có được chúng các nhà nghiên cứu cũng phải thực nghiệm trên người. Anh nợ ơn những người tình nguyện, giờ đây anh phải trả ơn họ để giúp khoa học phát triển”. Vậy là cuộc ghép tim đã diễn ra.
Khi Barney thức dậy, bác sĩ DeVries hỏi: “Ông thấy thế nào, có đau ở đâu không?”. Bệnh nhân trả lời “không đau”, nhưng lần đầu tiên ông cảm nhận được một trái tim đập mạnh mẽ hơn sau nhiều năm. Khi nhìn thấy vợ mình cạnh giường, Barney nói: “Anh muốn nói với em rằng ngay cả khi không có trái tim anh vẫn yêu em”.
GS Alain Carpentier và trái tim nhân tạo Carmat, hoạt động giống như trái tim người, giúp kéo dài cuộc sống bệnh nhân ít nhất năm năm. Ảnh: TLBY
30 năm sau sự kiện này, trong một bài báo đăng trên trang web của đại học Utah, bác sĩ DeVries xúc động chia sẻ: “Barney Clark thật sự là một anh hùng đối với mọi người, trong đó có 350 phóng viên cắm trại trong khuôn viên bệnh viện tối hôm đó để săn tin”.
Ca ghép thực sự thu hút sự chú ý của đông đảo giới truyền thông. Cùng với những người thân của Barney, nhiều ngày sau đó cả thế giới tiếp tục theo dõi hoạt động của trái tim nhân tạo trong việc kéo dài cuộc sống ông. Đúng là trái tim lạ đã làm được nhiệm vụ này, nhưng nó cũng khiến ông phải trả giá. Barney bị gắn chặt với một chiếc máy nén hơi to như chiếc máy giặt có nhiệm vụ giúp tim hoạt động, chưa kể nhiều chiếc ống nối từ máy nén đi xuyên qua thành ngực của ông. Ông phải nằm mãi trên giường và nhiễm trùng bắt đầu diễn ra thường xuyên.
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất vẫn là tình trạng máu vón cục bên trong trái tim không hoàn hảo và chúng theo dòng máu đi khắp nơi. Sau nhiều lần đột quỵ vì tắc mạch não, ngày thứ 112 sau cuộc ghép, Barney ra đi để lại sự tiếc thương cho mọi người. Ba năm sau đó, năm 1985 người ta tiến hành ghép tiếp tim nhân tạo Jarvik-7 cho năm bệnh nhân, người sống lâu là 620 ngày.
Carmat mới là tim nhân tạo thực sự
Jarvik-7 nổi tiếng khắp thế giới vì đó là quả tim nhân tạo đầu tiên ghép cho người. Thực tế thì quả tim nhân tạo đầu tiên chính là sản phẩm của nhà khoa học Xô Viết Vladimir Demikhov, ghép cho một con chó cách đây 80 năm vào năm 1937.
Mặt khác, Jarvik-7 thực sự cũng không thể gọi là tim nhân tạo vì thiết bị này làm bằng nhôm và polyurethane, nối với một chiếc máy nén nặng 400 pound (181kg). Thử hỏi khi gắn với một thiết bị phức tạp như thế bệnh nhân di chuyển như thế nào? Chắc chắn họ không còn tự do và có một cuộc sống không đáng sống.
Trong khi cả thế giới đang chú ý đến Jarvik-7 thì cũng vào những năm 1980, tại nước Pháp GS Alain Carpentier, trưởng khoa phẫu thuật tim bệnh viện Georges Pompidou, âm thầm tìm kiếm một trái tim nhân tạo thực sự. Theo ông, trái tim này không thể tạo ra cục máu đông để gây đột quỵ và phải tự điều chỉnh lưu lượng máu theo mọi nhu cầu của bệnh nhân như một trái tim thật, điều mà các dạng tim nhân tạo khác không làm được.
Bên cạnh đó, GS Carpentier đặt ra mục tiêu quả tim này phải được bệnh nhân mang theo bên người, giúp họ đi lại như bình thường và có thể kéo dài cuộc sống của họ ít nhất năm năm sau lần ghép đầu tiên.
Năm 1988, GS Carpentier nộp đơn xin cấp bằng sáng chế trái tim nhân tạo. Theo ý tưởng của ông, bên trong thiết bị cơ khí này là một hệ thống các cảm biến và vi xử lý theo dõi chuyển động cơ thể, để từ đó điều chỉnh lượng máu bơm đi theo nhu cầu. Mặt ngoài trái tim được cấu tạo một phần từ mô bò để giảm nguy cơ biến chứng máu đóng cục, điều thường xảy ra khi dùng các chất liệu khác, vì thế bệnh nhân không cần phải dùng thuốc chống đông máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
Mẫu tim Syncardia mang trên người. Ảnh: TLBY
Nhưng đó chỉ là ý tưởng, để có được sản phẩm thực tế, GS Carpentier phải cần người thực hiện. Năm 1993, ông chính thức hợp tác với Jean-Luc Lagardère, ông chủ Matra, công ty mẹ của hãng máy bay Airbus, thành lập công ty Carmat (viết tắt của Carpentier và Matra) để phát triển dự án. Năm 1995, mẫu tim nhân tạo đầu tiên ra đời, nặng gần… 2kg.
Mất 18 năm tiếp theo, với vô số công sức và tiền bạc, cuối cùng trái tim Carmat cũng có thể được ghép lần đầu tiên cho người vào tháng 12.2013. Tuy nhiên, chỉ 75 ngày sau phẫu thuật bệnh nhân tử vong. Bốn cuộc thực nghiệm sau đó bệnh nhân cũng chết. Hai ca đầu tiên do rò rỉ máu vào các chất lỏng giúp tim hoạt động, khiến sự vận hành tim bị xáo trộn. Những ca tiếp theo, theo phân tích của nhà sản xuất, không liên quan gì đến quả tim nhân tạo.
Cuộc chạy đua Pháp – Mỹ
Ngoài Carmat, một số hãng lớn cũng tham gia chế tạo trái tim nhân tạo nhưng đáng chú ý là SynCardia, công ty có trụ sở tại Tucson, Arizona (Mỹ). Khác với tim Carmat, tim SynCardia xác định rõ chỉ là giải pháp kéo dài cuộc sống bệnh nhân trong khi chờ ghép tim người. Nó gồm hai buồng tâm thất nhân tạo làm bằng plastic tương hợp sinh học để phòng ngừa tim bị cơ thể đào thải.
Năm 2004, cơ quản Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ cho phép sử dụng SynCardia cho bệnh nhân có nguy cơ tử vong trong vòng 30 ngày. Thế hệ đầu tiên của nó nặng gần 420kg, hạn chế rất nhiều sự tự do của bệnh nhân. Năm 2007, SynCardia phát triển phiên bản nhỏ gọn có thể mang được cho phép bệnh nhân có thể mang trên người. Năm 2010, với thế hệ mới có tên “Freedom Driver”, quả tim SynCardia giúp bệnh nhân có thể rời bệnh viện trở về nhà sống gần như bình thường.
Có hai dạng tim, tim 70 cc dành cho nam giới trưởng thành và tim 50 cc cho phụ nữ và trẻ con. Đến năm 2014, hơn 1.250 bệnh nhân đã được ghép SynCardia, họ có thể mang nó cùng với một máy nén hơi giúp tim hoạt động đựng trong túi mang theo bên người. Khi gắn tim cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ cố định số lần tim đập trong mỗi phút, nghĩa là dù hoạt động như thế nào, nhịp tim vẫn như nhau. Tim Carmat không có bất lợi này.
Trong một lần trả lời báo chí, GS Carpentier nói: “Phần lớn các loại tim nhân tạo khác đập theo nhịp không đổi, điều này khiến bệnh nhân không thể hoạt động nhiều hoặc có nguy cơ kiệt sức khi họ cố gắng”.
Tim Carmat hiện tại đã thu nhỏ chỉ còn 900g (nặng gấp ba lần tim người) và phù hợp với 70% lồng ngực nam giới, 25% lồng ngực nữ giới. Người mang nó cũng phải mang theo pin đặt trong túi mang trên người.
Năm qua, giai đoạn 2 thử nghiệm của tim Carmat đã được khởi động với mục tiêu ghép cho 20 người. Lần lượt trong tháng 10 và 11.2017, nó được ghép lần đầu tiên cho hai bệnh nhân ngoài nước Pháp, một ở Kazakhstan và một ở Cộng hoà Czech. Carmat hy vọng quá trình thử nghiệm sẽ kết thúc trong năm nay để có thể đạt được chứng nhận của châu Âu (CE), trước khi bán sản phẩm ra tại châu Âu vào năm 2019 và tại Mỹ vào năm 2020.