Theo các nghiên cứu mới, SARS-CoV-2 thường xuyên tái phát ở bệnh nhân COVID-19 không được điều trị. Nhưng đáng lo ngại là ở những người dùng thuốc kháng virus Paxlovid thì tình trạng này còn nghiêm trọng và phổ biến hơn.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho một người ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Một thử nghiệm lâm sàng do Pfizer tài trợ cho thấy Paxlovid làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và chưa tiêm chủng.
Đồng thời, thử nghiệm cũng nhận thấy, các trường hợp virus quay trở lại sau khi khỏi bệnh cả ở những người dùng Paxlovid và ở những người dùng giả dược. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về những trường hợp này chưa được công bố.
Để xác định tần suất virus tái phát trong trường hợp không điều trị bằng Paxlovid, bác sĩ kiêm nhà khoa học Jonathan Li tại Bệnh viện Brigham and Women’s, và đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ hàng trăm người nhận giả dược ngẫu nhiên trong một thử nghiệm quy mô lớn đã hoàn thành (thử nghiệm đó là về thuốc kháng thể trong điều trị COVID-19).
Kết quả, trong nhóm những người nhiễm SARS-CoV-2 nhận giả dược, hơn 1/4 báo cáo các triệu chứng tái phát sau khi khỏi bệnh. Nhưng chỉ 1/8 nhóm này có mức độ virus trong cơ thể cao. Nghiên cứu được đăng lên máy chủ medRxiv vào ngày 2/8 ở dạng bản thảo.
Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy, virus SARS-CoV-2 tái phát hiếm khi gây ra các triệu chứng, vì nhiều trường hợp báo cáo triệu chứng tái phát không xuất hiện virus, và ngược lại. Chỉ có rất ít người (1-2%) xuất hiện cả triệu chứng và virus tái phát.Và các triệu chứng tái phát đa phần không phải do virus mà do các yếu tố khác như các phản ứng miễn dịch kéo dài [có giả thuyết cho rằng ở một số bệnh nhân COVID-19, hệ thống miễn dịch bị mất ổn định bởi cuộc tấn công của virus và không ngừng hoạt động sau khi khỏi bệnh, gây tình trạng viêm mãn tính và kéo theo một loạt các vấn đề sức khỏe], theo Li. “Thông điệp chính là quá trình khôi phục từ COVID-19 không phải là một quá trình tuyến tính," Li nói.
Một nghiên cứu khác phát hiện: bệnh nhân được điều trị bằng Paxlovid gặp tình trạng virus tái phát thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với bệnh nhân không dùng thuốc. Bản thảo nghiên cứu được đăng lên medRxiv vào ngày 4/8.
Nghiên cứu - do bác sĩ bệnh truyền nhiễm kiêm nhà nghiên cứu vaccine Kathryn Stephenson tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess, Boston, thực hiện - đã theo dõi 11 bệnh nhân dùng Paxlovid để điều trị COVID-19 và 25 bệnh nhân không dùng. Kết quả xét nghiệm mức độ SARS-CoV-2 cho thấy: sau khi khỏi bệnh vài ngày, virus tái phát ở hơn một phần tư trong số 19 người dùng Paxlovid, và chỉ tái phát ở 1/25 người không dùng thuốc. Hơn nữa, khi virus tái phát, những người dùng Paxlovid có mức độ virus cao như thể họ bị nhiễm trùng cấp tính mới.
Việc virus tái phát sau khi điều trị bằng Paxlovid có vẻ khác về chất so với sự tái phát ở những người không dùng, theo bác sĩ kiêm nhà khoa học Michael Charness tại Bệnh viện VA Boston Healthcare.Nhưng nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân không phải do virus kháng thuốc hoặc do phản ứng miễn dịch yếu ở những người có virus quay lại. Một số nhà nghiên cứu đang kiểm tra giả thuyết rằng sự nhân lên của virus - vốn bị Paxlovid ngăn chặn - tiếp tục trở lại khi thuốc biến mất khỏi cơ thể, dẫn đến mức độ virus tăng cao.
Mark Siedner, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston, người đang nghiên cứu sự xuất hiện trở lại của virus sau khi điều trị bằng Paxlovid, cho rằng tình trạng này xuất hiện do thời gian điều trị quá ngắn. Thuốc hiện được dùng trong năm ngày, và một số nhà nghiên cứu cho rằng cần xem xét thời gian điều trị dài hơn, trong phạm vi không gây kháng thuốc. Trong điều trị COVID-19, vẫn còn rất nhiều điều cần học hỏi, Charness lưu ý.
Nguồn: