Tuần trước, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature cho thấy hai con chó bị nhiễm Covid-19 đầu tiên có thể đã bị lây nhiễm từ chủ của chúng. Phân tích trình tự gen của virus ở những con chó này cho thấy giống hệt trình tự gen của virus ở những người bị nhiễm bệnh.
Nghiên cứu không cho thấy bằng chứng chó có thể truyền bệnh cho những con chó hoặc người. Do chưa rõ virus có thể lây nhiễm theo những hướng nào nên phải đề phòng các khả năng, để hạn chế các nguồn lây nhiễm và ổ dịch mới - Malik Peiris, nhà virus học tại Đại học Hồng Kông, người đứng đầu nghiên cứu, nói.
Mặc dù phân tích xác nhận những người mắc COVID-19 có thể lây nhiễm cho chó, nhưng khả năng điều này xảy ra thấp, Arjan Stegeman, nhà dịch tễ học thú y tại Đại học Utrecht, Hà Lan, cho biết. Trong nghiên cứu chỉ có 2 trong số 15 con chó sống với người nhiễm Covid-19 bị lây bệnh.
Một con chó phốc sóc ở Hồng Kông là một trong những con chó đầu tiên có kết quả dương tính với virus corona.
Nghiên cứu ở Hồng Kông phát hiện RNA và kháng thể của virus ở cả hai con chó - một con chó phốc sóc (pomeranian) và một chó chăn cừu Đức
(German shepherd) - và virus còn sống ở một con. Cả con chó đều trở nên rất ốm yếu khi nhiễm Covid-19.
Phát hiện này ủng hộ kết quả của một nghiên cứu hồi tháng 4, trong đó các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cố tình nhiễm SARS-CoV-2 lên chó, Thomas Mettenleiter, nhà virus học đứng đầu Viện nghiên cứu thú y liên bang ở Riems, Đức cho biết. Chủ sở hữu chó dương tính với virus corona nên thận trọng khi tiếp xúc với vật nuôi, ông nói.
Hiệp hội Y khoa Thú y Hoa Kỳ khuyến nghị những người mắc Covid-19 nên đeo khẩu trang khi chăm sóc thú cưng và nên tránh vuốt ve, ôm hoặc chia sẻ thức ăn với động vật và nên rửa tay trước và sau khi tiếp xúc.
Kể từ khi hai ca chó nhiễm Covid-19 ở
Hồng Kông được báo cáo, đã xuất hiện thêm các vật nuôi khác
dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm một con mèo ở Hồng Kông và hai con
khác ở bang New York. Bốn con hổ và ba con sư tử tại Sở thú New York
City Bronx cũng cho kết quả dương tính.
Cần bộ dụng cụ chẩn đoán chuyên dụng cho động vật
Ngoài việc bảo vệ thú cưng, cần phải kiểm tra nhiều động vật tiếp xúc gần gũi với con người, bao gồm cả vật nuôi và gia súc, để xem chúng có vai trò trong việc lây truyền virus hay không, theo Jürgen Richt, nhà virus học thú y tại Đại học bang Kansas ở Manhattan. Để làm điều này, cần bộ dụng cụ chẩn đoán chuyên dụng cho động vật, ông nói. Richt cũng hy vọng sẽ có các nghiên cứu về triệu chứng Covid-19 ở động vật.
Stegeman có kế hoạch xét nghiệm những con mèo sống với những người đã mắc COVID-19. Hiểu được vai trò của động vật trong chuỗi lây truyền ngày càng quan trọng khi tỷ lệ lây nhiễm giữa người với người giảm, ông nói.
Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng SARS-CoV-2 có thể có nguồn gốc từ dơi và truyền sang người thông qua một động vật trung gian nào đó. Giả thuyết phổ biến nhất hiện nay là các loài trung gian đã tiếp xúc với con người trong một khu chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán, Trung Quốc. Peiris cho biết chó, mèo và các động vật có vú khác được bán để lấy thịt ở các khu chợ này và chó mèo hoang cũng thường xuyên đi lại ở đó. SARS-CoV-2 dường như có một phạm vi vật chủ khá rộng; chó, mèo và các loài động vật có vú có liên quan chặt chẽ khác có thể dễ bị tổn thương và tạo thành cầu nối giữa dơi và người, ông nói.
Nhưng các nhà nghiên cứu cũng lo lắng rằng các báo cáo về chó và mèo bị nhiễm Covid-19 có thể khiến con người từ bỏ rơi thú cưng của họ. Đã từng có các báo cáo về việc mọi người bỏ rơi thú cưng trong vụ dịch ở Vũ Hán. "Rất nguy hiểm khi mọi người trở nên lo lắng và quyết định bỏ rơi vật nuôi," Richt nói.
Nguồn: