Nghiên cứu cho thấy rằng chất béo nâu — mà con người mất dần khi già đi — có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, kiểm soát bệnh béo phì và kéo dài tuổi thọ.
Vào tháng 8/2020, một nhóm nghiên cứu quốc tế báo cáo tạp chí Cell Metabolism rằng họ đã phát hiện ra cách kích hoạt chất béo nâu một cách "nhân tạo". Nghiên cứu là kết quả hợp tác giữa Centre de recherche du Center Hospitalier universitaire de Sherbrooke (CRCHUS) ở Québec và Trung tâm nghiên cứu trao đổi chất cơ bản của Quỹ Novo Nordisk (CBMR) tại Đại học Copenhagen.
Trong tự nhiên, sau khi được kích hoạt bởi nhiệt độ lạnh hoặc các tín hiệu hóa học, chất béo nâu đốt cháy năng lượng và tạo ra nhiệt — quá trình gọi là sinh nhiệt. Chất béo nâu còn là một trong những chìa khóa của quá trình trao đổi chất, kiểm soát bệnh béo phì và tiểu đường, và còn có thể kéo dài tuổi thọ.
Nhưng con người chỉ có một lượng nhỏ chất béo nâu, và các nhà khoa học từ lâu đã đưa ra giả thuyết rằng nếu có cách để kích hoạt lượng chất béo đó mà không cần các điều kiện tự nhiên, hoặc biến chất béo trắng thành chất béo nâu, thì sẽ giúp cải thiện quá trình trao đổi chất.
Chất béo mà hầu hết mọi người hình dung được gọi là chất béo trắng, vì nó có màu trắng hoặc vàng. Nhưng ngoài ra, con người còn được sinh ra với chất béo nâu, có màu nâu như tên gọi.
Loại chất béo này được tìm thấy nhiều ở cổ và vai của trẻ sơ sinh. Nó đốt cháy nhiều calo để giữ ấm cho cơ thể, chức năng quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Dù vậy, con người mất hầu hết chất béo nâu khi lớn lên và già đi. Đến sáu tuổi, mỗi người chỉ còn ít hơn 5% chất béo nâu so với thời điểm sơ sinh. Trong khi đó, lượng chất béo tăng theo thời gian lại là chất béo trắng.
Chất béo trắng không hoạt động hiệu quả về mặt trao đổi chất, nó không sử dụng nhiều năng lượng, khó đốt cháy, do đó tích tụ và gây ra các vấn đề sức khỏe.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen đã chuyển hóa thành công chất béo trắng thành chất béo nâu trong điều kiện thí nghiệm, thông qua thay đổi các yêu tố biểu sinh. Sau đó, họ tiêm chất béo nâu vào những con cừu béo. Kết quả, những con cừu có nhiều mỡ nâu gầy đi và hết hội chứng chuyển hóa và tiểu đường.
Một nhóm nghiên cứu khác ở Delaware đã thực hiện quá trình chuyển đổi mỡ trắng sang mỡ nâu ngay trong cơ thể bằng một loại thuốc điều trị. Hầu hết những người lớn tuổi không có lượng mỡ nâu đáng kể, và các liệu pháp này có thể giúp tạo ra nhiều chất béo nâu hơn.
Vì sao điều này lại quan trọng? Kể từ năm 1974, một trong những nguyên nhân chính khiến tuổi thọ bị rút ngắn và gia tăng các bệnh mãn tính như viêm xương khớp, tiểu đường loại 2 và nhiều bệnh ung thư là do lượng mỡ trắng ngày càng tăng. Nhiều triệu chứng lão hóa, thậm chí mệt mỏi và thiếu năng lượng, bắt nguồn từ sự phá hủy sinh học và viêm nhiễm do mỡ trắng dư thừa. Sự tích tụ mỡ trắng dẫn đến tuổi thọ ngắn hơn so với thực tế.
Và trong khi các phương pháp điều trị y tế đã giảm thiểu phần lớn bệnh tật và sự thay đổi tuổi thọ do mỡ trắng gây ra, thì con người vẫn tiếp tục tích tụ mỡ trắng dư thừa. Phần lớn đến từ ăn thực phẩm có chất béo bão hòa và thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu quá nhanh.
Nếu các nhà khoa học tìm ra cách thay thế chất béo trắng bằng chất béo nâu, các liệu pháp có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm như viêm xương khớp, tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ và rối loạn chức năng não đồng thời cung cấp mức năng lượng tăng lên. Hay nói cách khác, con người sẽ trở nên trẻ hơn.
Nguồn: https://www.nationalgeographic.com/magazine/article/brown-fat-good-youthful-energy-exercise-longevity