Nghiên cứu mới trên tạp chí Scientific Reports, cho thấy những người được tiêm Botox ở bốn vị trí khác nhau - không chỉ ở trán - báo cáo mức độ rối loạn lo âu ít hơn đáng kể so với những bệnh nhân trải qua các phương pháp điều trị khác nhau cho cùng một tình trạng.

Botox, hay độc tố Botulinum, một loại hóa chất có nguồn gốc từ độc tố vi khuẩn, thường được tiêm để làm mờ các nếp nhăn, điều trị chứng đau nửa đầu, co thắt cơ, đổ mồ hôi quá nhiều và tiểu tiện không tự chủ. Các nhà nghiên cứu tại Trường Dược và Khoa học Dược Skaggs tại Đại học California San Diego, phối hợp với hai bác sĩ từ Đức, có thể đã tìm ra một công dụng mới của Botox nhờ cơ sở dữ liệu Hệ thống Báo cáo Tác dụng Có hại (FAERS) của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), trong đó gần 40.000 người đã báo cáo những gì đã xảy ra với họ sau khi điều trị bằng Botox.

Hình minh họa. Nguồn: CC0 Public Domain

Nghiên cứu được công bố ngày 21 tháng 12 năm 2021 trên tạp chí Scientific Reports, cho thấy những người được tiêm Botox ở bốn vị trí khác nhau - không chỉ ở trán - báo cáo mức độ rối loạn lo âu ít hơn đáng kể so với những bệnh nhân trải qua các phương pháp điều trị khác nhau cho cùng một tình trạng.

"Một số lượng lớn các tác dụng phụ đang được báo cáo cho FDA và mục tiêu chính thường là tìm ra những tác dụng phụ có hại chưa được xác định trong các thử nghiệm lâm sàng," Tiến sĩ dược Ruben Abagyan cho biết. "Tuy nhiên, ý tưởng của chúng tôi là tại sao chúng tôi không làm ngược lại? Tại sao chúng tôi không tìm cả những tác động có lợi?"

Abagyan và nhóm của ông đã tìm kiếm cơ sở dữ liệu FAERS để tìm các báo cáo về việc giảm tần suất lo lắng và các rối loạn liên quan đến lo âu khi dùng botox, và so sánh với các báo cáo tương tự ở một nhóm đối chứng. Sau đó, nhóm áp dụng một thuật toán để tìm kiếm sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Kết quả, nguy cơ rối loạn lo âu được báo cáo thấp hơn từ 22 đến 72% ở những bệnh nhân được điều trị bằng Botox để điều trị bốn tình trạng bệnh: làm mỹ phẩm giảm nhăn (tiêm trên cơ mặt); đau nửa đầu (tiêm trên cơ mặt và đầu); co cứng cơ (tiêm ở chi trên và chi dưới); vẹo cơ (tiêm ở cơ cổ).

Rối loạn lo âu là loại rối loạn tâm thần phổ biến nhất, theo National Comorbidity Survey Replication, một cuộc khảo sát về mức độ phổ biến và mối tương quan của các rối loạn tâm thần ở Mỹ được thực hiện từ năm 2001 đến 2003. Theo cuộc khảo sát, 32% dân số Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự rối loạn lo âu vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, và các phương pháp điều trị không hiệu quả đối với gần một phần ba trong số này. Đó là lý do tại sao các bác sĩ lâm sàng và nhà nghiên cứu tìm kiếm các lựa chọn điều trị khác.

Tuy nhiên, dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này vốn không được thu thập cho mục đích khám phá mối liên quan giữa việc sử dụng Botox và sự lo lắng. Ngoài ra, dữ liệu FAERS chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ những người dùng Botox đã trải qua các tác dụng phụ tiêu cực, và việc sử dụng các loại thuốc kê đơn và không kê đơn khác có thể không được báo cáo rõ ràng trong một số trường hợp.

Abagyan và các cộng sự đưa ra giả thuyết đằng sau cơ chế botox làm giảm rối loạn lo âu: Chất độc botulinum có thể được vận chuyển đến các vùng của hệ thống thần kinh trung ương liên quan đến tâm trạng và cảm xúc. Ngoài ra, các điểm nối thần kinh cơ bị ảnh hưởng bởi Botox có thể giao tiếp trực tiếp với não. Cuối cùng, vì Botox thường được sử dụng để điều trị các bệnh mãn tính có thể góp phần gây ra lo âu, tác dụng điều trị bệnh của nó cũng có thể gián tiếp làm giảm lo lắng.

Abagyan nói rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác định cơ chế và cần có các thử nghiệm lâm sàng để khẳng định giả thuyết này.

Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2021-12-botox-anxiety.html