Nghiên cứu mới cho thấy những người có nồng độ glucocorticoid - một loại hormone steroid được tiết ra để đáp ứng với căng thẳng - trong tóc cao hơn có khả năng mắc các bệnh về tim và tuần hoàn cao hơn đáng kể.


Hình minh họa. Nguồn: AP

Nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Y tế thuộc Đại học Erasmus Rotterdam, Hà Lan, đã đo lường nồng độ glucocorticoid thông qua cortisol, và dạng không hoạt động của nó, cortisone. Đây cũng là 2 hormone gây căng thẳng và là những dấu ấn sinh học dài hạn của glucocorticoid.

Có rất nhiều bằng chứng chỉ ra rằng cortisol và cortisone ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và phân phối chất béo của cơ thể. Nhưng dữ liệu về các mứchormone gây căng thẳng nàyvà ảnh hưởng của chúng đối với bệnh tim mạch về dài hạn thì khan hiếm.

Để tìm hiểu mối tương quan này, nhóm van der Valk đã phân tích mức độ cortisol và cortisone trong 6.341 mẫu tóc của đàn ông và phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đăng ký tham gia Lifelines — một nghiên cứu đa thế hệ bao gồm hơn 167.000 người tham gia từ Hà Lan.

Tóc của những người tham gia được kiểm tra, và họ được theo dõi trong trung bình 5-7 năm để đánh giá mối quan hệ lâu dài giữa mức độ cortisol và cortisone và các sự kiện bệnh tim mạch. Trong thời gian theo dõi, trong nhóm người tham gia đã có 133 sự kiện bệnh tim mạch.

Các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh để loại trừ các yếu tố được biết là có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bao gồm tuổi tác, giới tính, vòng eo, hút thuốc, huyết áp và bệnh tiểu đường loại 2. Kết quả, những người có nồng độ cortisone dài hạn cao hơn có khả năng gặp phải các biến cố tim mạch như đột quỵ hoặc đau tim cao gấp đôi so với những người có nồng độ trung bình. Ở nhóm dưới 57 tuổi, những người có nồng độ hormone gây căng thẳng dài hạn cao có khả năng gặp biến cố cao gấp 3 lần.

Tuy nhiên, ở nhóm trên 57 tuổi, một nửa số trường hợp bệnh tim mạch không liên quan đến nồng độ cortisone và cortisol trong tóc.

"Chúng tôi hy vọng phân tích tóc có thể trở thành một xét nghiệm giúp các bác sĩ lâm sàng xác định những cá nhân nào có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Xa hơn, các hormone gây căng thẳng trong cơ thể có thể trở thành mục tiêu điều trị" - Giáo sư Elisabeth van Rossum, nghiên cứu viên chính của nghiên cứu, cho biết.

Các tác giả thừa nhận một số hạn chế của nghiên cứu, bao gồm việc nghiên cứu mang tính quan sát và chỉ chứng minh rằng căng thẳng tương quan với bệnh tim mạch nhưng không phải nhân quả. Họ cũng lưu ý rằng hầu hết những người tham gia là người da trắng và đến từ một khu vực của Hà Lan, vì vậy những phát hiện này có thể mang tính khái quát đối với các quần thể khác. Và mặc dù tuổi tác, giới tính, vòng eo, hút thuốc, huyết áp và bệnh tiểu đường loại 2 đã được điều chỉnh trong phân tích, nhưng có thể có những yếu tố không đo lường được khác có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Nghiên cứu đã được trình bày tại Hội nghị châu Âu về Béo phì (ECO) ở Dublin, Ireland từ ngày 17-20/5.

Nguồn: