Chính bởi tinh thần ưa thích lao động và ăn uống giản dị hằng ngày mà người già ở làng thường ít cảm thấy nặng nề, mệt mỏi với áp lực cuộc sống. Có lẽ, họ đang thoải mái và vui hơn nhờ mảnh vườn, khoảnh sân và tấc đất hương hỏa, nơi quá trình đô thị hóa, lối sống hiện đại chưa kịp chen chân can thiệp dữ dội.

Tết này mẹ tôi tròn 80 tuổi. Theo thông lệ của làng, chị em tôi sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho mẹ vào ngày mồng bốn Tết. Không hẳn vì đại dịch, mà bởi mẹ tôi mong muốn, lễ mừng sẽ thật giản dị và ấm áp, chủ yếu con cháu sum vầy như bao cái Tết khác đã từng thế.

Trong làng, những người tuổi 80 như mẹ tôi không nhiều. Những người từ 85 hay 90 lại càng ít. Chạm đến ngưỡng tuổi ấy được coi là thượng thọ, cho nên bà con xóm làng ai nấy đều chia vui, chúc phúc. Các cụ làng tôi thường nói vui rằng tuổi già cũng như trẻ con, lên “lớp” nào đều quí hóa “lớp” đấy. Mẹ tôi 80 tuổi tức là đạt mốc “lớp 8”. Dịp Tết nhất tay bắt mặt mừng, các ông các bà tuổi thất thập lại tươi cười bảo nhau cố gắng giữ sức khỏe, phấn đấu lên “lớp 8”, “lớp 9” để ngày ngày trông con trông cháu trưởng thành, khôn lớn. Theo tổng điều tra dân số năm 2019, cả nước có khoảng 1,9 triệu người trên 80 tuổi. Mẹ tôi giờ đã được đứng vào “hàng ngũ” lớp người không thể nói là đông đảo ấy.

Trong nhịp điệu sống chưa dứt hẳn nhịp điệu thuần nông, người già làng tôi không đến mức cô đơn, bị bỏ rơi hay phải tủi hờn nhìn con cháu dán mắt vào internet vạn vật như một bộ phận người già thành phố. Ảnh minh họa: toamdautien.com

Người già, quí nhất chắc chắn là sức khỏe, sự minh mẫn. Thật may, ba mẹ tôi vẫn tự chăm sóc được nhau. Chúng tôi ở xa, mỗi năm chỉ tạt về nhà vài hôm, ơi ới bạn bè và bù khú chuyện nọ chuyện kia, chẳng kịp nấu bữa cơm ra tấm ra món cho ba mẹ. Mẹ tôi thì không bao giờ chờ điều đó. Tự tay mẹ đi chợ, nấu cơm và tôi thì, thật chẳng khác cậu chàng sinh viên năm nhất ngày nào, chỉ việc sà vào mâm cơm đánh chén món mình yêu thích. Đôi khi tôi còn đòi thêm món này món khác. Hơn hai mươi năm rồi, tôi vẫn giữ thói quen có lẽ hồn nhiên ấy mà không giật mình nhận ra mẹ tôi đã già, làm việc gì cũng chậm hơn xưa rất nhiều. Vẫn món cá cam ấy nhưng vị có khi đậm, khi nhạt; vẫn nồi canh dọc mùng muối ấy nhưng có lần mẹ tôi lại để quá chua. Thời gian tuổi mẹ trôi qua trên từng bữa cơm mà tôi càng lớn càng ít được ăn cùng. Mới Tết năm ngoái, mẹ tôi còn bảo sẽ trồng thêm một vạt cà để tôi trổ tài làm món cà bung. Nhưng vì Covid-19, giãn cách xã hội quá lâu, tôi chẳng thể về quê, món cá bung chỉ là lời hứa suông.

Nhưng mảnh vườn của mẹ tôi thì vẫn trồng cà. Quanh năm, mẹ tôi làm vườn. Quanh năm, mẹ tôi đem chợ bán những loại rau, củ quả trồng từ mảnh vườn nhà rộng chưa đến một sào. Công việc tay chân, mẹ làm lần hồi lúc sáng lúc chiều. Những luống rau đều đặn, mồng tơi, cải, đậu cô-ve, mướp, cà chua, rau ngót, mùa nào thức ấy, chẳng lúc nào ngớt xanh và tươi tắn sắc màu. Mùa hè chang chang nắng, mẹ phải dậy từ sớm để tưới nước. Mùa mưa lũ, nhiều lần mảnh vườn ngập úng, cải vừa lên mầm đã chết trắng. Mẹ chẳng chịu yên, lại gầy đợt mới, chờ trông trận mưa bão đi qua thật nhanh. Mảnh vườn như đứa trẻ trong tay già yếu của mẹ tôi. Mẹ chăm bẵm, vỗ về, bồi bổ cho nó nào rơm nào rạ, nào nước giếng nào mùn tro. Mẹ vui khi nó xúng xính màu hoa màu lá mới. Mẹ bần thần, đôi lần còn than thở với tôi vì nó mắc nhiều loại sâu bệnh. Tôi chẳng biết khuyên nhủ gì, việc làm vườn tôi chưa bao giờ trải qua một mùa. Tôi cũng chẳng thể bảo mẹ nghỉ ngơi. Bởi làm vườn là niềm vui, sức khỏe của mẹ tôi, là cách để mẹ tôi trò chuyện với đất đai, cây cối, với mỗi nắng sớm chiều mưa quen thuộc quê nhà. Đâu vì tiền nong, đâu vì miếng cơm manh áo mà mẹ phải gắng sức. Giá mớ rau chỉ bằng cốc trà đá vỉa hè. Mẹ làm vườn, mảnh vườn tôi nghĩ là mênh mông nhất trong đời mẹ, bởi mẹ không ưa ngồi nhàn một chỗ. Mẹ lại càng không thể chờ tuổi già hoặc lụ khụ hoặc ốm đau, mà không động chân động tay một công việc gì đó. Làm vườn là hoạt động sống say mê, bình dị và điềm tĩnh của mẹ. Nếu thôi làm vườn vài ngày, mẹ tôi trông như ốm, mảnh vườn cũng vắng lặng hẳn đi. Mấy năm gần đây, mẹ tôi hầu như chẳng đi đâu xa, nhưng từ mảnh vườn mà mẹ tôi luôn thấy đời sống biến chuyển mỗi ngày. Nghe theo tivi thường nói, người làng cũng đã biết đòi hỏi rau sạch, cũng tập tành lựa chọn từng đồ ăn thức uống “heo thì” nên mẹ tôi càng phải chăm vườn rau kĩ lưỡng. Chăm vườn rau, với mẹ, thật như cách luyện tâm tính, không được phép làm sai và làm xấu chỉ vì một đồng bạc.

Hầu hết người già làng tôi đều không chịu ngồi yên. Họ vẫn túc tắc làm vườn, thậm chí làm ruộng, dù chỉ đủ sức cầm cuốc, cầm liềm gọi là. Trong nhịp điệu sống chưa dứt hẳn nhịp điệu thuần nông, người già làng tôi không đến mức cô đơn, bị bỏ rơi hay phải tủi hờn nhìn con cháu dán mắt vào internet vạn vật như một bộ phận người già thành phố. Số liệu của Tổng cục thống kê năm 2021 cho thấy do quá trình đô thị hóa nên tỉ lệ người cao tuổi (tính từ 60 tuổi trở lên) sống ở thành thị tăng từ 27,53% năm 2009 lên 32,84% năm 2019. Tuy nhiên, trong nhóm tuổi cao (70-80) thì tỉ lệ người cao tuổi sống ở nông thôn vẫn vượt trội. Thực tế này thể hiện phần nào tâm lí muốn sống ở làng của nhiều người già. Họ tìm thấy những điều kiện lí tưởng, bao gồm cả công việc phù hợp, và sự tự chủ sinh kế nhất định để không phải làm phiền con cháu. Dĩ nhiên, không phải người già nào ở làng cũng có thể tự chăm sóc và đảm bảo đời sống tối thiểu. Trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng (giai đoạn 2009-2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm) mà chưa có hệ thống chính sách kịp thời, hiệu quả thì người cao tuổi ở thành thị hay nông thôn, đặc biệt là nhóm “sơ lão”, “đại lão”, đều gặp phải không ít vấn đề khó khăn trong kinh tế, sức khỏe và nhu cầu tình cảm. Người già, xét cho cùng, vẫn là đối tượng cần được chăm sóc và hỗ trợ trên nhiều phương diện. Nhưng bởi thâm tâm muốn những đứa con ở xa yên ổn làm ăn, ba mẹ tôi, cũng như nhiều người già ở làng, đều phải tự mình cố gắng đảm đang các việc nhà cửa, vườn tược. Chính bởi tinh thần ưa thích lao động và ăn uống giản dị hằng ngày mà người già ở làng thường ít cảm thấy nặng nề, mệt mỏi với áp lực cuộc sống. Có lẽ, họ đang thoải mái và vui hơn nhờ mảnh vườn, khoảnh sân và tấc đất hương hỏa, nơi quá trình đô thị hóa, lối sống hiện đại chưa kịp chen chân can thiệp dữ dội.

Đại dịch Covid-19 khiến mỗi người đều phải tự định hình lại lối sống, cách sống của mình. Mẹ tôi thì hầu như không. Mẹ vẫn làm vườn, ra chợ, tuy không thể đều đặn mỗi ngày như trước. Ngược với mẹ, những ngày giãn cách xã hội kéo dài khiến tôi không ít lần căng thẳng, cáu gắt vô cớ. Trong khu phố tôi ở, nhiều người tìm cách giải tỏa trạng thái bí bách bằng cách trồng vườn rau trên sân thượng hoặc trong những thùng xốp đặt trước ban công. Từ khóa vườn rau sân thượng trở nên phổ biến trên báo chí, mạng xã hội, và là tâm điểm chia sẻ của nhiều hội nhóm gia đình trẻ. Những mảnh vườn bé xíu lặng lẽ làm nhiệm vụ kết nối từng thành viên, đem lại tiếng cười và cảm giác được thư thái, nhẹ nhõm. Mảnh vườn ở trên tầng cao chật chội trở thành nơi chốn trải nghiệm nội tâm và đôi khi, còn được cho là có thể chữa lành, xoa dịu vết thương tinh thần. Tôi không nghĩ đó là một diễn đạt quá cường điệu bởi, đơn giản, đôi khi chúng ta cứ mang máng mảnh vườn của mình như bóng hình địa đàng ban phát ánh sáng, nhịp thở và sự tươi tắn cho thân thể vốn đang úa nhàu theo thời gian.

Tôi tin, mỗi lần ngồi bên mảnh vườn mênh mông của mẹ tôi, tôi cũng có tất cả những điều quí giá đó.