Một nghiên cứu mới được công bố của Đại học Y tế cộng đồng Yale cho thấy xét nghiệm Covid-19 bằng nước bọt có thể hiệu quả hơn trong việc phát hiện biến thể Omicron.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Giáo sư Anne Wyllie, từ Đại học Y tế cộng đồng Yale, cho biết đau họng là triệu chứng ban đầu phổ biến khi nhiễm Omicron, và rất ít người bệnh gặp triệu chứng mất khứu giác.
Trước đó, có nhiều trường hợp xét nghiệm tại nhà đã cho kết quả âm tính ngay cả khi người bệnh đã nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, virus SARS-CoV-2 xuất hiện sớm trong miệng và cổ họng của người bệnh. Một số nghiên cứu trước đây cũng cho thấy virus có xu hướng xuất hiện trong nước bọt trước khi tích tụ trong mũi.
Theo giáo sư Wyllie, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không khuyến nghị nên xét nghiệm bằng nước bọt thay cho lấy dịch mũi, tuy nhiên có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người đã xét nghiệm dịch mũi liên tục có kết quả âm tính nhưng ngay khi xét nghiệm nước bọt lại cho kết quả dương tính.
Tuy nhiên, giáo sư Wyllie cũng lưu ý rằng khoang miệng là môi trường khác với mũi, việc ăn uống trước khi xét nghiệm sẽ có ảnh hưởng tới kết quả. Thực tế, nhiều xét nghiệm cho thấy nên chờ ít nhất một giờ sau khi ăn uống, hoặc 10 phút sau khi uống một cốc nước lọc.
Đến nay, phương pháp xét nghiệm nhanh bằng dịch mũi vẫn phổ biến hơn. Đại đa số các xét nghiệm bằng nước bọt tại Mỹ hiện vẫn dựa trên xét nghiệm PCR.
Giáo sư Wyllie cũng nhấn mạnh rằng khi đã biết Omicron có thể sinh sôi ở miệng mạnh và sớm hơn trong mũi, cần nhanh chóng thay đổi phương thức xét nghiệm.
Nguồn: https://www.nbcconnecticut.com/news/coronavirus/saliva-based-covid-19-testing-may-be-more-effective-at-detecting-omicron-variant/2694837/
Phạm Nhật theo nbcconnecticut