Đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều phụ nữ khó tiếp cậncác biện pháp tâm lý hay thuốc điều trị trầm cảm sau sinh. Giờ đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy hoạt động thể chất có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề này.

Một nghiên cứu mới của Đại học Western (Canada) đã chỉ ra, đi bộ nhanh ít nhất mười lăm phút mỗi ngày có thể giúp giảm bớt triệu chứng trầm cảm sau sinh mà nhiều phụ nữ đang gặp phải. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng vẫn cần đến các phương pháp chăm sóc y tế truyền thống.

Khác với “Baby Blues” - một hội chứng rối loạn tâm lý sau sinh thông thường và chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn, trầm cảm sau sinh có thể gây ra dao động tâm trạng nghiêm trọng, kiệt sức và thậm chí là cảm giác tuyệt vọng kéo dài. Khoảng 23% các bà mẹ mới sinh ở Canada gặp các triệu chứng này, trong khi các nghiên cứu ở châu Âu và châu Á cho thấy con số này đã lên đến 30% trong đại dịch COVID-19.

Nghiên cứu cho thấy đi bộ có thể giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Nguồn: wikisongkhoe
Nghiên cứu cho thấy đi bộ có thể giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Nguồn: wikisongkhoe

Nghiên cứu của học viên cao học Veronica Pentland và trợ lý giáo sư Marc Mitchell ở Đại học Western đã được công bố trên tạp chí Journal of Women's Health vào cuối tháng 10 vừa qua.

“Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hướng đến sức khỏe tâm lý của người mẹ mà còn ảnh hưởng cả đến sự phát triển của đứa trẻ,” Pentland cho biết. “Một người bị trầm cảm sẽ gặp khó khăn trong việc chăm sóc cho bản thân chứ chưa nói đến việc chăm sóc cho con họ”.

Thông qua việc phân tích dữ liệu từ năm dự án với 242 người tham gia, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị: Phụ nữ nên đi bộ ở cường độ vừa phải từ 90 đến 120 phút mỗi tuần để giảm các triệu chứng trầm cảm sau sinh.

“Việc đi bộ thì khá dễ dàng và điều tuyệt nhất là các bà mẹ có thể cùng trải nghiệm với con mình,” Mitchell nói. “Bạn có thể đẩy xe em bé ra ngoài và đi bộ khoảng 3-4 lần/tuần, mỗi lần 30 hay thậm chí chỉ 15 phút, nghiên cứu của chúng tôi phát hiện, điều này có thể cải thiện tâm trạng rất nhiều”. Thậm chí, các nhà khoa học nhận thấy kết quả vẫn được duy trì ba tháng sau khi các bà mẹ ngừng phương pháp đi bộ.

Việc điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần thường vấp phải nhiều rào cản đã tồn tại từ lâu như sự kỳ thị, phân biệt đối xử, gạt bỏ những người gặp các vấn đề về tâm lý trong các hoạt động xã hội. Việc chờ đợi các phương pháp truyền thống trong bối cảnh đại dịch toàn cầu chỉ khiến cho tình hình của bệnh nhân ngày một tệ hơn – Pentland nhận xét.

“Đi bộ chính là phương pháp điều trị xóa bỏ các rào cản nói trên. Không có thời điểm nào phù hợp hơn bây giờ để tiếp cận một phương pháp điều trị sức khỏe tâm thần mới, dễ dàng và hiệu quả đó,” cô nói thêm.

Nguồn: