Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế, 55% trẻ mắc COVID-19 là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Ngày 8/11, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em (Quyết định 5155/QĐ-BYT). Theo đó, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%); trẻ dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.

Nhìn chung, trẻ em mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỉ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: vnexpress.net

Theo hướng dẫn, bệnh nhi mắc COVID-19 có thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày.

Giai đoạn khởi phát có một hay nhiều triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng.

Triệu chứng lâm sàng thường gặp là sốt (63% trẻ mắc COVID-19), ho (34%), buồn nôn/nôn (20%), ỉa chảy (20%), khó thở (18%), triệu chứng mũi họng (17%), phát ban (17%), mệt mỏi (16%), đau bụng (15%), triệu chứng giống Kawasaki (sốt cấp hay kèm phát ban toàn thân ở trẻ nhỏ) (13%), không có triệu chứng (13%), triệu chứng thần kinh (12%), kết mạc (11%) và họng đỏ (9%).

Giai đoạn bệnh tiến triển, hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần.

Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh. Trong đó một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực do các biến chứng nặng như: hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).

Các yếu tố tăng nguy cơ bệnh nặng ở trẻ là béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh...

Nhìn chung, tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.

Giai đoạn hồi phục thường từ ngày thứ 7-10, nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.

Nguyên tắc điều trị là tuân thủ phòng ngừa lây nhiễm và phân loại điều trị theo mức độ nặng của bệnh.

Các biện pháp điều trị bao gồm: điều trị nguyên nhân COVID-19 bằng thuốc kháng virus, điều trị cơn bão cytokine gây phản ứng viêm bằng corticoid, lọc máu, điều trị bằng kháng sinh/kháng nấm khi cần thiết, điều trị bệnh nền nếu có, v.v.. Ngoài ra có điều trị hỗ trợ: đảm bảo trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần.

Theo hướng dẫn, có 4 mức độ nặng của bệnh:

Mức độ nhẹ - không triệu chứng hoặc triệu chứng điển hình, thở bình thường.

Mức độ trung bình - có triệu chứng viêm phổi, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) 94 - 95% (SpO2 bình thường sẽ dao động ở mức 95 - 100%); thở nhanh; ít ăn/uống.

Mức độ nặng - triệu chứng viêm phổi nặng, chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng, SpO2 từ 90 đến dưới 94%;trẻ khó chịu, quấy khóc, bú/ăn/uống khó.

Mức độ nguy kịch - suy hô hấp nặng, SpO2 dưới 90%, cần đặt nội khí quản thông khí xâm nhập; ý thức giảm, khó đánh thức hoặc hôn mê; trẻ bỏ bú/ăn hoặc không uống được.