Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu liệu đại dịch có đang định hình não bộ và hành vi của một thế hệ trẻ em hay không.
Phong tỏa - chiến lược quan trọng để kiểm soát đại dịch - đã khiến nhiều trẻ nhỏ mất thời gian vui chơi và tương tác xã hội ở lớp học hoặc không gian công cộng. Khi trẻ ở nhà, những bậc cha mẹ có công việc bận rộn sẽ không có nhiều thời gian để tương tác với trẻ nhỏ. Tình trạng thiếu tương tác này ảnh hưởng đến khả năng thể chất và tinh thần của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Bên cạnh việc thiếu tương tác xã hội, căng thẳng trước khi sinh ở mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
Đáng lưu ý, những trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi hơn về kinh tế và xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Các nhóm nghiên cứu những vấn đề này trên khắp thế giới đang bắt đầu công bố những phát hiện đầu tiên.
Một giáo viên trong bộ đồ an toàn sinh học giảng bài cho một bé gái tại nhà ở Cali, Colombia
Chậm phát triển đáng kể
Một trong số ít phòng thí nghiệm về phát triển trẻ em duy trì hoạt động trong đại dịch COVID-19 là Advanced Baby Imaging Lab của Đại học Brown. Tại đây, Sean Deoni, nhà lý sinh y tế và các đồng nghiệp sử dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) và các kỹ thuật khác để nghiên cứu cách các yếu tố môi trường định hình sự phát triển não ở trẻ sơ sinh. Trong suốt đại dịch, nhóm Deoni vẫn tiếp tục mời trẻ sơ sinh đến phòng thí nghiệm để kiểm tra đánh giá các kỹ năng vận động, thị giác và ngôn ngữ.
Điểm số phát triển của trẻ “bắt đầu đi xuống vào khoảng cuối năm 2020, đầu năm 2021,” Deoni nói. So sánh điểm các bài kiểm tra đo lường sự phát triển, tương tự như các bài kiểm tra IQ, trẻ em ra đời trong thời kỳ đại dịch
có điểm thấp hơn hẳn so với trẻ sinh trước đó.
Nhóm Deoni cũng nhận thấy trẻ sơ sinh từ các gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất, trẻ em trai bị ảnh hưởng nhiều hơn trẻ em gái và trong các kỹ năng, kỹ năng vận động thô bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những trẻ đến kiểm tra trong đại dịch có hoàn cảnh xuất thân, tình trạng khi sinh và tình trạng kinh tế xã hội tương đồng với những trẻ kiểm tra trước đó.
Điểm kiểm tra nhận thức trung bình của trẻ có xu hướng đi xuống rõ rệt trong năm 2020 và 2021.
Tuy nhiên, Marion van den Heuvel, nhà tâm lý học thần kinh phát triển tại Đại học Tilburg, Hà Lan, lưu ý, chỉ số IQ khi còn nhỏ không dự đoán được nhiều và trẻ em có thể bắt kịp tốc độ phát triển bình thường khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được dỡ bỏ.
Nhưng nhóm Deoni nhận thấy đại dịch càng kéo dài, trẻ em càng "tích lũy" mức độ chậm phát triển, theo kết quả đang được tạp chí JAMA Pediatrics bình duyệt.
Nhóm nghiên cứu cũng đặt ra giả thuyết: vấn đề chậm phát triển bắt nguồn từ việc thiếu tương tác giữa người với người. Trong một nghiên cứu khác chưa công bố, họ đã ghi lại các tương tác giữa cha mẹ và con cái ở nhà. Kết quả, số từ mà cha mẹ nói với con và ngược lại trong hai năm qua đã thấp hơn so với những năm trước.
Đã có các nghiên cứu khác gần đây ủng hộ giả thuyết thiếu các tương tác với bạn bè làm trẻ chậm phát triển. Trong
một nghiên cứu công bố đầu năm 2022, các nhà nghiên cứu ở Vương quốc Anh khảo sát 189 phụ huynh có con trong độ tuổi từ 8 tháng đến 3 tuổi, hỏi xem con họ có đi nhà trẻ hay đi học mẫu giáo trong đại dịch hay không, đồng thời đánh giá các kỹ năng ngôn ngữ và vận động. Kết quả, kỹ năng của trẻ sẽ mạnh hơn nếu được chăm sóc theo nhóm trong thời kỳ đại dịch; lợi ích xuất hiện rõ ràng hơn ở trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp hơn.
Ở Hà Lan, trẻ em có kết quả kém hơn trong các kỳ đánh giá quốc gia vào năm 2020 - so với ba năm trước đó; và kết quả của trẻ thuộc các gia đình thu nhập thấp bị sụt giảm nhiều hơn. Còn
ở Mỹ, sau lần phong tỏa đầu tiên, một báo cáo của công ty tư vấn McKinsey cho rằng học sinh da màu bắt đầu đi học bị chậm tiến độ học tập từ 3 đến 5 tháng, trong khi học sinh da trắng chỉ bị chậm 1 đến 3 tháng.
Những ảnh hưởng từ trước khi trẻ ra đời
Đại dịch cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em từ trước khi chúng ra đời. Catherine Lebel, nhà tâm lý học tại Developmental Neuroimaging Lab tại Đại học Calgary ở Canada, và các đồng nghiệp khảo sát hơn 8.000 người mang thai trong thời kỳ đại dịch. Gần một nửa cho biết có các triệu chứng lo lắng, trong khi 1/3 có các triệu chứng trầm cảm - tỷ lệ cao hơn nhiều so với những năm trước đại dịch. Sự căng thẳng này ảnh hưởng đến em bé trong bụng mẹ như thế nào?
Một người mẹ đeo khẩu trang tương tác với con gái khi chờ đợi kết quả PCR của con ở Houston, Texas.
Các nghiên cứu khác cũng tìm thấy mối liên hệ tương tự giữa căng thẳng trước khi sinh và sự phát triển của trẻ. Livio Provenzi, nhà tâm lý học tại IRCCS Mondino Foundation, Pavia, Ý, và các đồng nghiệp đã ghi nhận những đứa trẻ ba tháng tuổi có mẹ trải qua nhiều căng thẳng và lo lắng hơn trong thời kỳ mang thai thường có khả năng điều chỉnh cảm xúc và sự chú ý kém hơn.
Nhưng những phát hiện sớm như vậy không có nghĩa là trẻ sẽ gặp vấn đề tâm lý trong phần đời còn lại, Moriah Thomason, nhà tâm lý học trẻ em và vị thành niên tại Trường Y khoa Grossman, Đại học New York, nói. “Trẻ em rất dễ thích nghi và điều chỉnh," Thomason nói. Nghiên cứu về các thảm họa lịch sử cho thấy, mặc dù căng thẳng trong bụng mẹ có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, nhưng không phải lúc nào cũng có tác động lâu dài. Khi 6 tháng tuổi, những đứa trẻ có mẹ trải qua căng thẳng do hậu quả của trận lũ lụt năm 2011 ở Queensland, Úc, có kỹ năng giải quyết vấn đề và xã hội kém hơn so với những trẻ có mẹ không gặp căng thẳng. Tuy nhiên, đến 30 tháng tuổi, những kỹ năng này không còn tương quan với căng thẳng trước khi sinh.
Nhìn chung các phát hiện về đại dịch và trẻ em đến nay vẫn chưa nhất quán, và các nhà khoa học lưu ý còn quá sớm để kết luận. Và nếu não bộ của trẻ em thực sự đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thì vẫn còn thời gian để điều chỉnh. Cha mẹ có thể tìm cách dành thời gian chơi và trò chuyện với con thường xuyên, cũng như tạo cơ hội cho chúng chơi với những trẻ khác trong môi trường an toàn. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu cho rằng hầu hết trẻ em có thể sẽ ổn tuy nhiên cũng cần can thiệp sớm. “Trẻ em rất kiên cường,” Deoni nói. “Nhưng đồng thời, cũng phải khẳng định rằng 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của một đứa trẻ là nền tảng quan trọng.”
Nguồn: