Các nhà nghiên cứu cho biết xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer nhanh hơn và có độ chính xác ngang với các phương pháp quét não hoặc chọc dò tủy sống hiện nay.

Một dự án trị giá 5 triệu bảng Anh đã được khởi động vào năm ngoái với mục tiêu tìm ra phương pháp mới chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách nhanh chóng, thuận tiện. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá một loại xét nghiệm máu và chỉ ra, nó có thể tốt ngang bằng, thậm chí tốt hơn, phương pháp chọc dò tủy sống và các phương pháp quét đắt tiền để phát hiện các dấu hiệu của bệnh Alzheimer trong não.

Hình minh họa. Nguồn: PA

Nghiên cứu bao gồm phân tích dữ liệu từ ba thử nghiệm khác nhau ở Mỹ, Canada và Tây Ban Nha với sự tham gia của tổng cộng 786 người – bao gồm cả những người bị và không bị Alzheimer.

Trong cả ba thử nghiệm, bệnh nhân được chọc dò tủy sống hoặc chụp quét não để xác định các dấu hiệu của amyloid và protein tau – các dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer. Sau đó, nhóm nghiên cứu so sánh kết quả chẩn đoán này với kết quả xét nghiệm máu ALZpath. Kết quả, xét nghiệm máu chính xác tương đương xét nghiệm chọc dò tủy sống và vượt trội so với quét não trong việc xác định các dấu hiệu của bệnh Alzheimer.

Trên tạp chí Jama Neurology, tiến sĩ Nicholas Ashton - tác giả đầu tiên của nghiên cứu, từ Đại học Gothenburg, Thụy Điển, cùng các đồng nghiệp giải thích rằng protein p-tau217 là một dấu ấn sinh học rõ ràng nhất đến nay cho thấy những thay đổi trong não liên quan đến bệnh Alzheimer. Nó có thể được sử dụng để phân biệt bệnh Alzheimer với các rối loạn thoái hóa thần kinh khác và phát hiện bệnh ngay cả trong trường hợp bệnh nhân mới chỉ suy giảm nhận thức nhẹ.

Ashton cho biết: “80% các cá nhân có thể được chẩn đoán chính xác bằng xét nghiệm máu mà không cần bất kỳ làm thêm xét nghiệm nào khác.”

Tuy nhiên, Ashton lưu ý rằng thuốc điều trị bệnh Alzheimer vẫn chưa được chứng minh là có hiệu quả ở những người không có triệu chứng.

David Curtis - giáo sư danh dự tại Viện Di truyền học của Đại học London, hoan nghênh phát hiện về ALZpath và đề xuất rằng xét nghiệm máu này có thể được sử dụng để sàng lọc tất cả những người trên 50 tuổi vài năm một lần, giống như cách kiểm tra cholesterol hiện nay.

Tiến sĩ Richard Oakley - phó giám đốc nghiên cứu và đổi mới tại Hiệp hội Alzheimer, cho biết nghiên cứu này là một bước đi đúng hướng và đáng hoan nghênh: “Nó cho thấy rằng xét nghiệm máu có thể chính xác như các xét nghiệm xâm lấn và tốn kém. Hơn nữa, nó cho thấy kết quả từ các xét nghiệm này khá rõ ràng, có thể không cần điều tra theo dõi thêm đối với một số bệnh nhân. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình chẩn đoán đáng kể trong tương lai.”

Nhưng ông cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm: “Chúng ta vẫn cần nghiên cứu thêm trên các cộng đồng khác nhau để hiểu mức độ hiệu quả của các xét nghiệm máu này đối với những người mắc bệnh Alzheimer”.

Nguồn: