Nghiên cứu mới còn cho thấy sự tích lũy một trong những hợp chất PFAS phổ biến và nguy hiểm nhất trong cơ thể liên quan đến thịt đỏ và hải sản.

Nghiên cứu mới kiểm tra mẫu từ 3.000 bà mẹ mang thai và là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy cà phê và gạo trắng có thể bị ô nhiễm PFAS ở tỷ lệ cao hơn các thực phẩm khác.

Nghiên cứu cũng xác định mối liên quan giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và mức độ PFOS, một trong những hợp chất PFAS phổ biến và nguy hiểm nhất.

Hình minh họa. Nguồn: EPA

PFAS là một nhóm gồm khoảng 16.000 hợp chất được sử dụng để tạo ra các sản phẩm chống thấm, chống bám bẩn và chống nhiệt. Chúng được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” vì chúng không bị phân hủy một cách tự nhiên và được phát hiện tích tụ trong cơ thể con người. Các hóa chất này liên quan đến ung thư, dị tật bẩm sinh, bệnh gan, bệnh tuyến giáp, suy giảm số lượng tinh trùng và một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Mặc dù các cơ quan quản lý đã tập trung vào việc hạn chế ô nhiễm PFAS trong nước, nhưng thực phẩm được cho là con đường phơi nhiễm phổ biến nhất. PFAS có thể gây ô nhiễm thực phẩm thông qua một số con đường. Ở lúa, các nhà nghiên cứu nghi ngờ nó bắt nguồn từ đất hoặc nước nông nghiệp. Dụng cụ nấu chống dính cũng thường chứa các hóa chất PFAS. PFAS cũng có thể có trong nước dùng để nấu ăn.

Nghiên cứu mới phát hiện mức PFAS cao hơn trong trứng từ những con gà nhà nuôi (thay vì nuôi thương mại theo đàn lớn). Megan Romano - tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Dartmouth (Mỹ) - cho biết có thể là do chúng thường được cho ăn thức ăn thừa của người. Bùn thải chứa PFAS, được sử dụng như một giải pháp thay thế rẻ tiền cho phân bón, cũng có thể làm ô nhiễm đất nơi gà kiếm ăn và được phát hiện là nguyên nhân làm ô nhiễm thịt bò. Các hóa chất này cũng có thể có trong thức ăn gia cầm.

Trong cà phê, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng hạt cà phê, nước để pha hoặc đất có thể bị ô nhiễm. Nghiên cứu trước đây đã cho thấy các thiết bị lọc cà phê được xử lý bằng PFAS, và cốc giấy hoặc bao bì thực phẩm khác cũng thường chứa các hóa chất này.

Trong khi đó, hải sản thường xuyên bị phát hiện nhiễm PFAS vì ô nhiễm PFAS trong nguồn nước quá phổ biến.

Những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng cho rằng lệnh cấm sử dụng các hóa chất này, ngoại trừ những mục đích sử dụng bắt buộc, là cách duy nhất để bắt đầu giải quyết vấn đề.

Romano cho biết theo nghiên cứu, chế độ ăn nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và nhiều chất xơ hơn liên quan đến mức độ thấp hơn của một số PFAS. Chúng ta cũng nên ăn một chế độ ăn đa dạng để không có một nguồn protein nào chiếm tỷ lệ quá lớn trong khẩu phần ăn.

“Điều đó giúp bạn không chỉ giảm mức độ tiếp xúc với PFAS mà còn các chất gây ô nhiễm khác mà chúng ta có thể dự đoán là có trong thực phẩm,” Romano nói.

Nguồn: