Các nhà nghiên cứu cho biết, xét nghiệm máu sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán bệnh Parkinson sớm bảy năm, trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Thử nghiệm này được thiết kế để hoạt động trên các thiết bị đã có trong nhiều phòng thí nghiệm của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Vương quốc Anh. Nếu kết quả được xác nhận trên nhiều người, phương pháp này có thể được cung cấp cho các cơ sở y tế trong vòng hai năm tới.
Hiện tại không có loại thuốc nào có thể bảo vệ não khỏi bệnh Parkinson. Nhưng nếu có xét nghiệm dự đoán chính xác, các phòng khám có thể xác định những người được hưởng lợi nhiều nhất từ các thử nghiệm lâm sàng về phương pháp điều trị nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn bệnh.
Giáo sư Kevin Mills - tác giả cấp cao của nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Trẻ em UCL, cho biết: “Với Parkinson, chúng ta 'mất bò mới lo làm chuồng'. Chúng ta cần tiếp cận mọi người trước khi họ phát triển các triệu chứng. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh.”
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Bệnh Parkinson là tình trạng thoái hóa thần kinh phát triển nhanh nhất thế giới, xu hướng này là hệ quả của tình trạng già hóa dân số. Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến hơn 150.000 người ở Anh và 10 triệu người trên toàn thế giới. Nguyên nhân là do sự tích tụ của một loại protein gọi là alpha-synuclein, gây tổn thương hoặc phá hủy các tế bào thần kinh có chức năng tạo ra một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng gọi là dopamine.
Người bệnh Parkinson có thể bị run, vận động khó khăn và co cứng cơ, đồng thời gặp vấn đề về thăng bằng, trí nhớ, chóng mặt và đau dây thần kinh. Nhiều người nhận được liệu pháp thay thế dopamine, nhưng giới nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị làm chậm hoặc ngăn chặn bệnh.
Để phát triển xét nghiệm, các nhà khoa học đã sử dụng thuật toán học máy để phát hiện mẫu đặc trưng của 8 loại protein trong máu của bệnh nhân Parkinson. Thuật toán sau đó có thể dự đoán bệnh Parkinson từ mẫu máu của những bệnh nhân khác. Ở một bệnh nhân, Parkinson đã được dự đoán chính xác sớm hơn bảy năm trước khi các triệu chứng xuất hiện. Tiến sĩ Jenny Hällqvist ở Viện Thần kinh học UCL, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Có thể phương pháp này còn phát hiện được sớm hơn nữa”.
Giáo sư Roger Barker - nhà tư vấn thần kinh chuyên về bệnh Parkinson tại Đại học Cambridge và bệnh viện Addenbrooke, cho biết nếu được xác nhận bởi các nhóm khác, xét nghiệm này sẽ nâng cao khả năng chẩn đoán bệnh Parkinson ở những giai đoạn sớm nhất, cho phép bệnh nhân được ghi danh vào các thử nghiệm lâm sàng khi mới chớm bệnh và chưa bị mất nhiều tế bào não. "Rõ ràng, chúng ta cần tìm ra những liệu pháp [điều trị] như vậy, nhưng nghiên cứu này là một bước đi đúng hướng.”
Theo Giáo sư Ray Chaudhuri - giám đốc y tế của Trung tâm Xuất sắc Quốc tế thuộc Quỹ Parkinson, nhu cầu lớn đối với các xét nghiệm máu dự đoán và chẩn đoán bệnh Parkinson chưa được đáp ứng. Đồng thời, ông cảnh báo những xét nghiệm như vậy đi kèm với “những thách thức lớn”.
“Bệnh Parkinson không phải là một căn bệnh đơn lẻ mà là một hội chứng và có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Như vậy, cách quản lý bệnh sẽ khác nhau và không có một cách nào phù hợp cho tất cả,” ông nói. “Việc xét nghiệm để dự đoán nguy cơ mắc bệnh giúp chúng tôi có một nhóm người sẵn sàng hoặc phù hợp cho các thử nghiệm trong tương lai về các phân tử bảo vệ thần kinh. Ngoài ra, có một số bằng chứng ban đầu cho thấy ở những người 'có nguy cơ' mắc bệnh Parkinson, hoạt động thể chất và tập thể dục theo chương trình có khả năng làm chậm tiến triển của bệnh.”
Nguồn: