Giới y tế đang lo lắng khi biến thể Delta xuất phát từ Ấn Độ dẫn tới tình trạng lây nhiễm tăng đột biến ở Anh và Mỹ.
Biến thể Delta lan rộng đến hơn 70 quốc gia và đang “thống trị” ở Ấn Độ, Anh và Singapore. Đây là nguyên nhân của 18% các trường hợp ở Colorado, Montana, North Dakota, Nam Dakota, Utah và Wyoming, và khoảng 6% các trường hợp trên toàn nước Mỹ. Tuần trước, Delta đã gây ra hơn 90% các trường hợp COVID-19 mới ở Anh, dẫn đến tăng 65% các ca nhiễm mới kể từ 1/5. Để hạn chế sự lây lan của Delta, Chính phủ Anh đã quyết định hoãn lại “ngày tự do” vào 21/6, khi đáng lẽ ngày này sẽ đánh dấu thời gian kết thúc các biện pháp hạn chế về sức khỏe cộng đồng.
WHO đã ra cảnh báo về biến thể Delta là dễ lây truyền hơn, dễ gây tử vong hơn và làm giảm hiệu quả vaccine. Trong ảnh, dịch vụ y tế quốc gia Anh thông báo về biến thể Delta. Nguồn: CNBC.
Biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn 60% so với biến thể Alpha được phát hiện ở Anh và có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với chủng ban đầu ở Vũ Hán. Eric Topol, người sáng lập và giám đốc của Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps cho biết: “Đó là một biến thể siêu lây lan và có khả năng truyền nhiễm cao nhất [trong các biến thể hiện nay]”. Delta có các đặc điểm cho phép chúng thoát khỏi hệ thống miễn dịch và có lẽ dễ lẩn tránh hơn so với biến thể Beta (B.1.351) được phát hiện ở Nam Phi.
Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cảnh báo với Tổng thống Joe Biden vào tuần trước: “chúng ta không thể để điều đó xảy ra ở Mỹ.” Tổng thống Biden đã nhắc lại quan điểm đó trên trang cá nhân của ông trên twitter: “Biến thể Delta của COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao. Chúng đang lan truyền nhanh chóng trong những người trẻ từ 12 đến 20 tuổi ở Anh. Nếu bạn còn trẻ và chưa tiêm phòng, hãy tiêm ngay”.
Tại sao biến thể Delta lại đáng sợ như vậy?
Virus corona thường xuyên đột biến khi liên tục tự sao chép, nhân lên trong tế bào chủ của con người. Trong đó, một số đột biến cho phép virus trốn tránh các kháng thể; trong khi một số tăng cường khả năng lây nhiễm; còn lại có một số đột biến không được chú ý vì chúng không mang lại lợi ích nào, hoặc thậm chí có thể làm suy yếu virus.
Chìa khóa của biến thể Delta là tập hợp các đột biến trong protein gai của SARS-CoV-2, mang lại cho virus hình dáng giống chiếc vương miện đặc trưng. Markus Hoffmann, nhà sinh vật học về bệnh truyền nhiễm tại Viện nghiên cứu linh trưởng ở Đức, giải thích rằng những đột biến này đã làm thay đổi mức độ đột biến và kết quả là ảnh hưởng đến sự liên kết của các kháng thể trong cơ thể. Biến thể Delta có các đột biến trên protein gai làm thay đổi cách nó tương tác với thụ thể ACE2 - cổng để xâm nhập tế bào và dễ xâm nhập vào cơ thể hơn. Đột biến có thể tránh được các kháng thể được tạo ra nhờ tiêm phòng hoặc đã nhiễm virus từ trước đó. Có loại thuốc kháng thể giúp điều trị COVID như Bamlanivimab không thể vô hiệu hóa biến thể Delta; còn các loại khác như Etesivimab, Casirivimab và Imdevimab vẫn có hiệu quả.
Nếu một đột biến mang lại cho virus một lợi thế về năng lực hoặc khả năng sinh sản, thì đột biến đó có xu hướng phát triển độc lập trên khắp thế giới. Delta mang một đột biến ở vị trí 681 của protein spike, khiến SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào chủ dễ dàng hơn và dễ lan rộng hơn. Đột biến này đang nhanh chóng trở nên phổ biến ở virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu.
Ngoài những đột biến này thì có một bản thảo nghiên cứu đang trong quá trình bình duyệt gần đây cho thấy một đột biến ở vị trí 478 trên protein gai của Delta cho phép virus thoát khỏi các kháng thể trung hòa yếu. Đột biến này cũng ngày càng trở nên phổ biến ở các biến thể SARS-CoV-2 ở Mỹ, Mexico và châu Âu kể từ đầu năm 2021.
Vaccine kém hiệu quả hơn
Dữ liệu từ Ấn Độ và Anh cho thấy Delta đã nổi lên “thống trị” ở các quốc gia này trong vòng bốn đến sáu tuần gần đây. Điều đó cho thấy Delta dễ lây lan và lây nhiễm hơn các biến thể trước đó. Có bằng chứng mới đây cho thấy nó cũng có thể gây ra bệnh nặng hơn. Ví dụ, ở Scotland, nó là nguyên nhân dẫn tới số ca nhập viện gấp đôi so với biến thể Alpha. Cần nhớ rằng Alpha vốn đã gây ra bệnh nặng hơn so với SARS-CoV-2 ban đầu.
Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Queen Mary, London đánh giá: “Lây truyền nhanh hơn, gây bệnh nặng hơn và khả năng ‘lẩn trốn’ vaccine khiến Delta trở thành một biến thể rất rất, nguy hiểm. Một khi Delta xâm nhập vào một quốc gia, chúng sẽ lây lan nhanh chóng. Sẽ khá khó để kìm hãm chúng, và rất có thể chúng sẽ trở thành biến thể thống trị trong vài tuần nữa. Đây là thứ có thể thay đổi quỹ đạo của đại dịch toàn cầu”.
Mặc dù tiêm đủ liều vaccine vẫn có hiệu quả chống lại bệnh trở nặng và nhập viện do các biến thể Alpha và Beta gây ra, nhưng chúng ít có tác dụng bảo vệ đối với Delta hơn. Ở Anh, 31% tổng số bệnh nhân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine nhập viện do biến thể Delta vẫn cần được chăm sóc cấp cứu.
Một nghiên cứu đang được bình duyệt cho thấy hai liều vaccine Pfizer có hiệu quả 88% trong việc bảo vệ khởi các ca bệnh có triệu chứng do biến thể Delta (so với hiệu quả 93% đối với biến thể Alpha). Hai liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả 66% đối với Alpha nhưng chỉ 60% đối với Delta. Nếu chỉ tiêm một liều duy nhất của một trong hai loại vaccine, hiệu quả của vaccine chỉ còn 51% đối với biến thể Alpha so với 33% đối với Delta. Hiệu quả này giảm xuống dưới ngưỡng hiệu quả 50% mà Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm mỹ (FDA) đã đặt ra để thiết kế vaccine COVID-19 an toàn. Đây là ngưỡng mà một loại vaccine phải ngăn ngừa ít nhất một nửa số người được tiêm chủng khỏi các triệu chứng COVID-19.
Trong các nghiên cứu khác vẫn đang chờ bình duyệt, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng biến thể Delta dẫn tới hầu hết các ca nhiễm đột phá (breakthrough infection, nhiễm bệnh ngay cả khi đã tiêm chủng đầy đủ) ở một nhóm các trường hợp các nhân viên y tế tại Ấn Độ.
Có nhiều ứng cử viên vaccine đang được nghiên cứu phát triển trên khắp thế giới nhưng không có tiêu chuẩn hiệu quả quốc tế được thống nhất. Mỗi loại vaccine mang lại một mức độ bảo vệ khác nhau chống lại các biến thể mới. “Chúng tôi cần thêm thông tin về hiệu suất của một số loại vaccine trước khi chúng được cung cấp rộng rãi hơn ở các nơi khác trên thế giới,” bác sĩ và nhà virus học Benjamin Pinsky thuộc Trường Y Đại học Stanford cho biết. “Tôi nghĩ mọi người cần chắc chắn rằng họ đã được tiêm phòng. Và cho đến khi họ được tiêm đầy đủ, việc tiếp tục các biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng là rất quan trọng,” ông nói.
Vaccine chỉ làm chậm sự tiến triển của bệnh truyền nhiễm bằng cách tăng khả năng miễn dịch cộng đồng. Cho đến thời điểm đó, các biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội và mang khẩu trang là những chiến lược đã được chứng minh có thể hạn chế sự lan truyền của virus.
Với chỉ 44% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, phần lớn người dân ở đây vẫn rất dễ bị lây nhiễm. Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế về sức khỏe cộng đồng và tuyên bố chiến thắng đại dịch sớm có thể tạo cơ hội cho biến thể Delta tăng đột biến, đặc biệt là vào mùa thu tới đây.
Những gì đang xảy ra ở Anh có thể xảy ra ở nhiều nơi trên toàn thế giới. Chúng ta vẫn nên giãn cách xã hội sau khi tiêm chủng, bởi vì sẽ luôn có khả năng lây nhiễm mang tính đột phá vì vaccine vẫn có thể không hoàn toàn chống lại các biến thể mới. Càng có nhiều biến thể như thế này lây lan, đặc biệt là ở những người chưa được tiêm chủng, thì những virus này càng đột biến và cuối cùng tạo ra những đột biến cho phép tránh kháng thể hiệu quả hơn.