Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ, ở bệnh nhân COVID-19 vẫn cao hơn mức bình thường, thậm chí nhiều tháng sau khi khỏi bệnh.

Trong đó, nghiên cứu dựa trên các hồ sơ từ Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ (VA) phát hiện: một năm sau khi khỏi bệnh, nguy cơ mắc 20 tình trạng tim mạch ở những người nhiễm COVID-19 tăng đáng kể. Những biến chứng này có thể xảy ra ngay cả ở những người dường như đã hoàn toàn bình phục sau khi chỉ mắc bệnh nhẹ.

Ảnh minh họa

Cụ thể, nghiên cứu cho biết, những người phải vào phòng chăm sóc đặc biệt do COVID-19 có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch cao hơn rõ rệt trong một năm sau thời điểm khỏi bệnh. Đối với một số tình trạng, chẳng hạn như sưng tim và cục máu đông trong phổi, nguy cơ tăng lên ít nhất 20 lần so với những người không nhiễm COVID-19. Nhưng ngay cả ở những người nhiễm COVID-19 không phải nhập viện, nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch cũng tăng, chẳng hạn nguy cơ đau tim tăng 8% và nguy cơ viêm tim tăng 247%.

Một số nghiên cứu khác cho kết quả theo hướng tương tự. Ví dụ, dữ liệu từ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh cho thấy những người đã nhập viện do COVID-19 có nguy cơ đối mặt với các vấn đề tim mạch cao hơn khoảng 3 lần so với những người không nhiễm bệnh, trong vòng tám tháng sau thời điểm nhập viện. Một nghiên cứu khác cho thấy trong 4 tháng sau khi nhiễm bệnh, bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ suy tim sung huyết cao hơn gần 2,5 lần so với những người không nhiễm.

Với hàng trăm triệu ca nhiễm COVID-19 trên khắp thế giới, các bác sĩ lâm sàng đang tự hỏi liệu đại dịch có kéo theo một cơn dư chấn tim mạch hay không.

COVID-19 gây hại cho tim như thế nào?

Tác động của COVID-19 đối với tim có thể liên quan đến protein ACE2, có trên bề mặt của hàng chục loại tế bào người. Nhờ liên kết vớiprotein này, virus có thể xâm nhập vào hầu hết các tế bào trong cơ thể.

Khi virus xâm nhập vào các tế bào nội mô lót các mạch máu, các cục máu đông hình thành một cách tự nhiên để chữa lành tổn thương do quá trình cơ thể loại bỏ nhiễm trùng gây ra. Những cục máu đông này có thể làm tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến tổn thương nhẹ như đau chân hoặc nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim. Một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thần kinh John Geddes tại Đại học Oxford dựa trên hơn 500.000 trường hợp COVID-19 cho thấy, trong hai tuần sau khi nhiễm COVID-19, người bệnh có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn 167% so với những người chỉ bị cúm thông thường.

Robert Harrington, bác sĩ tim mạch tại Đại học Stanford, California, nói, ngay cả sau khi nhiễm trùng ban đầu đã qua đi, các mảng bám có thể tích tụ ở nơi phản ứng miễn dịch làm hỏng lớp niêm mạc của mạch máu, khiến mạch máu bị thu hẹp. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề như đau tim và đột quỵ, thậm chí vài tháng sau khi vết thương ban đầu đã lành.

SARS-CoV-2 cũng có thể để lại dấu vết của nó trên hệ thống miễn dịch. Khi Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, New Haven, Connecticut, và các đồng nghiệp xác định các kháng thể từ những người nhập viện trong giai đoạn cấp tính của COVID-19, họ đã tìm thấy rất nhiều kháng thể chống lại mô người. Iwasaki nghi ngờ rằng SARS-CoV-2 có thể vô tình kích hoạt các tế bào miễn dịch tấn công cơ thể và làm hỏng nhiều cơ quan, bao gồm cả tim.

Những tổn tương này tích tụ theo thời gian, Iwasaki nói, khi hệ thống tim mạch đã bị tấn công trên đủ mặt trận, đó là lúc con người có thể gặp phải những hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ hoặc đau tim.

Đáng lưu ý là, một bài báo được xuất bản vào tháng 5 bởi nhà dịch tễ học Ziyad Al-Aly (Đại học Washington), người đứng đầu nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ đã đề cập ở trên, và các đồng nghiệp cho thấy rằng vaccine làm giảm, nhưng không loại bỏ nguy cơ phát triển những vấn đề lâu dài về tim mạch.

Nguồn: