Nằm trong “Nhiệm vụ quỹ gen cấp nhà nước” về bảo tồn nguồn gen rắn hổ mang, việc ấp trứng nhân tạo loài rắn này đã được tiến hành qua những thí nghiệm tại trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) và kết quả tốt nhất đã được chọn đưa vào quy trình chăn nuôi rắn hổ mang.
Rắn hổ mang là loài bò sát đẻ trứng và cần có thời gian ấp để thực hiện quá trình phân hóa, phát triển phôi để nở ra rắn con trong điều kiện ngoại cảnh nhất định về độ ẩm, nhiệt độ, môi trường ổ/thùng ấp. Rắn hổ mang sống ngoài thiên nhiên biết tự quây ổ đẻ hơi trũng xuống ở các đống xà bần lớn, ở gốc cây trong lùm bụi lớn rậm rạp, trong hang đất, hốc đá rồi đẻ trứng vào, sau đó con cái ấp.
Riêng hổ mang chúa cái biết lấy đuôi kéo vài chiếc lá khô lót sơ mới đẻ, cũng đậy sơ bằng lá khô. Rắn hổ mang quấn nhau hơn hai tháng thì đẻ trứng. Rắn cái đẻ vài lần, trong khoảng 2 - 3 ngày mới hết ổ trứng (khoảng 20 - 30 trứng). Xong việc, rắn cái cuộn mình quanh ổ trứng và gác đầu lên, rắn đực ở quanh đó bảo vệ ổ trứng. Riêng hổ mang chúa đực sau việc thực hiện canh giữ trứng, khi đàn con non nở ra là thịt nguyên đàn con bằng cách nuốt trọn. Việc ấp trứng nhân tạo giúp rắn cái và đực sớm đi kiếm ăn khỏe mạnh. Trứng rắn vốn có vỏ mềm, trong điều kiện ngoài thiên nhiên, dễ nhiễm khuẩn trứng, bị hư nhiều so với bảo quản trong phòng ấp.
Để khắc phục các điểm khuyết, đề án đã thực hiện một số công việc nhằm bảo quản trứng rắn ngay sau đẻ và chọn lựa phương pháp ấp trứng tối ưu theo kinh nghiệm, tổ chức ấp trứng nhân tạo.
Kết quả nghiên cứu chi tiết dưới đây nằm trong chuỗi các hoạt động tổ chức ổ đẻ trong môi trường bán tự nhiên:
- Các thí nghiệm về thời gian thu trứng liên quan tỷ lệ nở: trứng rắn hổ mang đất được thu ở thời điểm 12 giờ sau đẻ có tỷ lệ nở 90,4%, so với thu trứng vào 24 giờ nở 88%, thu trứng vào 48 giờ nở 77,78%, thu trứng vào 72 giờ nở 71,42%. Trứng rắn hổ mang chúa được thu ở thời điểm 12 giờ sau đẻ có tỷ lệ nở 87,5%, so với thu trứng vào 24 giờ nở 86,76%, thu trứng vào 48 giờ nở 82,76%, thu trứng vào 72 giờ nở 80,77%. Như vậy, thời gian thu trứng rắn hổ mang thực hiện trong khoảng 12 - 24 giờ sau đẻ là tốt nhất và được khuyến cáo.
- Kết quả các thí nghiệm về thùng và nguyên liệu ấp trứng liên quan tỷ lệ nở: ba loại nguyên liệu khác nhau gồm đất sét, cát và đất pha cát (tỷ lệ 7/3), tất cả đã “khô” và khử khuẩn, được đưa vào thùng mốp. Trứng rắn sau chọn lựa được đặt vào thùng mốp đã có nguyên liệu, được đặt cách nhau 5 - 6 cm và lấp mặt 2 - 3 cm và đậy lên bằng lớp vải và lớp bao chỉ xanh. Đối với trứng rắn hổ mang đất, tỷ lệ nở tương ứng là 33,33%, 60% và 92,3%. Đối với trứng rắn hổ mang chúa, tỷ lệ nở tương ứng là 56%, 74,19% và 88,89%. Vì thế với nguyên liệu đất pha cát (7/3), thùng mốp được chọn khuyến cáo trong quy trình ấp trứng rắn hổ mang.
- Kết quả các thí nghiệm về nhiệt độ và độ ẩm trong ấp trứng rắn hổ mang. Ba mức độ về độ ẩm không khí khác nhau phòng ấp trứng gồm 86 - 90%, 80 - 85% và 75 - 79% cho kết quả như sau: Đối với trứng rắn hổ mang đất, tỷ lệ nở tương ứng là 52,94%, 92,3% và 71,42%; thời gian ấp nở trứng tương ứng với các mức độ ẩm là 70 - 75 ngày, 55 - 60 ngày và 50 - 53 ngày. Đối với trứng rắn hổ mang chúa, tỷ lệ nở tương ứng là 60,71%, 86,67% và 75%; thời gian ấp nở trứng tương ứng với các mức độ ẩm là 67 - 70 ngày, 58 - 60 ngày và 52 - 54 ngày. Vì thế điều kiện nhiệt độ phòng ấp 28 - 320C, độ ẩm 80 - 85% được chọn khuyến cáo trong quy trình ấp trứng rắn hổ mang do có tỷ lệ nở cao nhất.
Quá trình ấp trứng cần định kỳ đảo trứng 3 - 5 ngày/lần. Khoảng 30, 45 ngày sau, tiến hành soi đèn kiểm tra, nếu phát hiện những quả trứng có vỏ màu hồng hoặc có vết hồng là trứng có phôi yếu hoặc không có phôi, trứng có sự biến đổi màu vỏ sang xám, đốm nâu, nứt... là đã bị nhiễm nấm hay vi khuẩn cần loại bỏ tránh lây lan sang trứng tốt.
Trứng rắn sau khi ấp 55 - 60 ngày, mỗi trứng sẽ nở ra một rắn con. Rắn con sẽ tự xé vỏ chui ra, nhân viên đeo găng tay cao su giúp đưa rắn con sang rổ nhựa có lót vải khô và nhặt bỏ vỏ trứng vào thùng rác. Một vài cá thể rắn không tự phá vỏ trứng cần có sự giúp đỡ xé vỏ. Rắn hổ mang con sau nở 1 ngày có thể cắn người chăm sóc và khi đó đã có nọc đầu độc thần kinh, cần thận trọng.
Sau 1 ngày, nếu có rắn con “hở rốn, yếu cơ” không di chuyển hoặc quá yếu, cần loại bỏ. Tuần đầu sau khi nở, rắn con chưa biết ăn, chúng còn đang hoàn thiện hệ tiêu hóa và sống nhờ chất dinh dưỡng còn lại trong noãn hoàn. Tuy nhiên, từ ngày thứ hai sau nở cần cho rắn uống nước trong khay/dĩa thấp. Khoảng 10 - 15 ngày sau rắn con lột xác lần thứ nhất, sau đó là lần cho ăn đầu tiên. Thức ăn cần được băm, xắt nhỏ và đặt cạnh bầy rắn vốn quấn nhau thành búi.
Để tránh hao hụt sơ sinh, cần có người bung tơi búi rắn và chăm ăn cho những con yếu ớt. Sau 3 - 5 ngày cho rắn con ăn lần 2 và tiếp theo như thế 5 - 7 ngày/lần cho ăn. Số lượng thức ăn bằng 25 - 30% trọng lượng cơ thể và tăng dần theo tuổi. Rắn non hoạt động ban ngày, sưởi ấm bằng ánh sáng mặt trời là tốt. Buổi tối cần chong bóng tròn để có nhiệt lượng sưởi ấm rắn non.