Mặc dù các hợp đồng lixăng chéo đem lại nhiều lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, nhưng hình thức hợp tác này vẫn luôn tiềm ẩn các nguy cơ. Một số hạn chế của nó buộc các bên tham gia phải cân nhắc rất cẩn thận trước khi đặt bút ký vào hợp đồng.

Đối tác thành đối địch trên tòa

40 năm qua, thế giới đã chứng kiến nhiều vụ tranh chấp kéo dài và tốn kém về lixăng chéo giữa các công ty công nghệ, điển hình là giữa 2 tập đoàn Intergraphic và Intel. Vụ kiện này nổi tiếng đến mức được Carl Shapiro - giáo sư Đại học California, Mỹ - sử dụng để nghiên cứu về việc thực thi các hợp đồng lixăng chéo về công nghệ.

Cuối những năm 1990, Intel - nhà sản xuất các bộ vi xử lý cao cấp hàng đầu thế giới - đã ký thỏa thuận lixăng chéo với Intergraph. Theo đó, Intergraph sẽ tạo ra những trạm máy tính sử dụng bộ vi xử lý của Intel, được quyền tiếp cận bí mật kinh doanh khi thiết lập các dòng máy tính sử dụng chip Intel, với những mẫu cải tiến mới nhất của các bộ vi xử lý mới nhất của hãng.

Thời điểm đó, Intergraph là đối tác rất có giá trị của Intel. Chưa rõ Intel thu được lợi ích gì từ thỏa thuận này nhưng ngay sau đó, hãng đã bị đối tác kiện với cáo buộc rằng các bộ vi xử lý của Intel đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của Intergraph. Các cuộc đàm phán liên tiếp được thiết lập nhưng không hiệu quả mà chỉ dẫn đến sự rạn nứt ngày càng lớn trong mối quan hệ hai bên.

Vụ kiện giữa Huawei và Samsung là một trong những tranh chấp điển hình liên quan tới lixăng chéo. Ảnh: Android Authority
Vụ kiện giữa Huawei và Samsung là một trong những tranh chấp điển hình liên quan tới lixăng chéo. Ảnh: Android Authority

Intel ngay sau đó đã rút lại những quyền lợi đặc biệt mà Intergraph được hưởng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của Intergraph và họ quyết không để đối tác rút lại thỏa thuận một cách dễ dàng. Intel sau đó cũng khẳng định hành động của mình không dẫn đến sự độc quyền, không làm hại đến sự cạnh tranh của bất kỳ thị trường nào liên quan, đồng thời đề nghị tòa án không can thiệp hay ủng hộ Intergraph trong vụ tranh chấp.

Tháng 6/1998, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã dẫn chiếu luật chống độc quyền và kết luận Intel có hành vi vi phạm khi rút lại thỏa thuận với Intergraph. Chủ tịch FTC nói rằng đây là hành động cưỡng chế chống độc quyền liên quan đến SHTT được ghi nhận rộng rãi nhất trên toàn thế giới vào lúc đó.

Vụ việc thu hút được sự chú ý của giới truyền thông, một phần bởi trong khoảng thời gian đó, Microsoft cũng bị kiện chống độc quyền. Các nhà bình luận đưa ra các quan điểm trái chiều hoài nghi quyết định của FTC, bởi Intel chủ yếu hướng vào khách hàng hơn là đối thủ cạnh tranh.


Vừa hợp tác vừa cạnh tranh

Gần đây, các vụ tranh chấp liên quan đến lixăng chéo lại phát sinh giữa hai nhà sản xuất điện thoại lớn. Giữa năm 2016, Huawei kiện Samsung ra tòa án ở Trung Quốc với cáo buộc xâm phạm quyền SHTT cho 12 sáng chế liên quan tới chuẩn kết nối di động 4G (LTE), hệ điều hành, giao diện người dùng của công ty mình, bắt đầu từ dòng Galaxy S II ra đời cách đây 5 năm. Theo khiếu nại, Huawei không cấp quyền SHTT cho Samsung nhưng hãng này vẫn tiếp tục sử dụng các sáng chế trên trong mọi thiết bị LTE của mình.

Thông tin chi tiết hơn về cuộc đàm phán giữa Huawei và Samsung vẫn được giữ bí mật, nhưng các cuộc nói chuyện gần đây của họ đã không giải quyết được vấn đề. “Huawei tin rằng các công ty cần cộng tác với nhau để thúc đẩy ngành công nghiệp này tiến lên phía trước. Chúng tôi rất tôn trọng sáng chế của các hãng khác nhưng cũng cần bảo vệ sáng chế của mình. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều thỏa thuận lixăng chéo để sử dụng công nghệ của nhau một cách hợp pháp. Đây cũng là yếu tố cơ bản cho sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp điện thoại di động” - Ding Jianxing - Giám đốc Văn phòng SHTT Huawei nói.

Còn đại diện Huawei khẳng định: “Tới nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ khoản tiền phí bản quyền nào từ Samsung”. Càng bất ngờ hơn khi 2 tháng sau đó, Samsung tiếp tục bị kiện với cáo buộc vi phạm bằng sáng chế các giải pháp kỹ thuật cho thiết bị hiển thị đầu cuối được cấp cho Huawei năm 2011.

Đầu năm 2017, tòa phán Huawei thắng kiện và Samsung phải bồi thường 11,6 triệu USD. Các tài liệu tại tòa do Huawei cung cấp có liên quan đến 30 triệu thiết bị đã được bán ra với giá trị khoảng 12,7 tỷ USD. Trong danh sách thiết bị vi phạm có khoảng 20 loại điện thoại thông minh và máy tính của Samsung, bao gồm cả Galaxy S7.

Samsung chưa đưa ra bình luận chính thức nào sau quyết định của tòa án Trung Quốc. Như vậy, có thể thấy thỏa thuận lixăng chéo không phải là quyết định hoàn toàn mang đến thành công và lợi ích cho các bên tham gia. Thỏa thuận này chỉ có thể giúp cho các bên tránh được kiện tụng với một giới hạn nhất định. Hoạt động về sau liên quan đến các quyền cấp phép chéo cần được xem xét kỹ. Nếu không, khả năng tranh chấp luôn hiện hữu.