Thử gõ từ khóa “đổi mới giáo dục” trên thanh Google thì chỉ sau 0,47’’ đã cho ra khoảng 2 triệu kết quả. Còn nếu gõ từ khóa “chống tham nhũng”, một vấn đề đang rất sốt hiện nay khi “lò đã nóng”, thì cho gần 2,3 triệu kết quả sau 0,49’’.

Điều đó cho thấy ở Việt Nam, vấn đề đổi mới giáo dục có sức nóng không thua kém vấn đề chống tham nhũng là mấy.

GS.TS Trần Đức Viên.

Năm 2017 vừa qua cũng vậy, các vấn đề đổi mới GD&ĐT luôn được thảo luận (và cả tranh luận nữa) sôi nổi trên các diễn đàn, từ tiêu chuẩn GS, PGS, năng suất công bố bài báo quốc tế, xếp hạng đại học, đến tự chủ đại học…

Những thảo luận và tranh luận này phản ảnh nhiều quan điểm, nhiều cách nghĩ đôi khi đối lập nhau, nhưng đều có mẫu số chung là sự chân thành, sự khát khao và mong mỏi của toàn xã hội đối với công cuộc chấn hưng nền giáo dục và đào tạo của đất nước, nhất là khi Luật Giáo dục đại học mới được Quốc hội thông qua vào năm nay, hứa hẹn mang lại nhiều quyền tự chủ hơn cho các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, Bộ GD&ĐT và các bộ ngành chủ quản của các trường đại học sẽ “nhường” bớt việc cho các cơ sở giáo dục, nghĩa là rút khỏi những công việc cụ thể, sự vụ, và giao những lĩnh vực, những việc nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ cho các cơ sở giáo dục. Được giao nhiều quyền tự chủ hơn, về phần mình, các cơ sở giáo dục đại học cũng phải thể hiện trách nhiệm cao hơn, dẫn tới chất lượng đào tạo đại học sẽ được cải thiện.


Nhưng vẫn còn đó những âu lo, ai đó vẫn còn sợ những “làn cây cong”. Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã khá thông thoáng, bằng chứng là, theo điều 32, các trường đại học có quyền tự chủ về 6 lĩnh vực: tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Làm được những gì như Luật 2012 cho phép đã là mơ ước của nhiều nhà giáo và cán bộ quản lý, nhưng trên thực tế, các quyền tự chủ ấy hầu như mới tồn tại trên giấy. Dưới Luật còn có “lệ”, và “lệ” mới là những rào cản của những tư tưởng khai phóng được thể hiện trong Luật.

Sau khi Luật 2012 được thông qua, và nhất là sau khi Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ được ban hành, cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT hầu như không ban hành một văn bản pháp quy nào để hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện các quyền tự chủ của họ.

So sánh hai từ khóa
So sánh hai từ khóa "đổi mới giáo dục" và "chống tham nhũng" qua công cụ đánh giá xu hướng tìm kiếm của Google. Thực hiện ngày 4/1/2018.

Hơn thế, Bộ GD&ĐT còn tung ra hàng loạt văn bản hạn chế quyền tự chủ chuyên môn của các trường, như Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22/12/2010 về tiêu chuẩn mở ngành đào tạo; Thông tư số 32/2015/ TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; Thông tư số 15/2014/BGDĐT-ĐTĐH ngày 15/05/2014 quy định địa điểm tổ chức thi tuyển sinh; Công văn 1761/BGDĐT-GDĐH ngày 15/04/2015 quy định tổ chức đào tạo ở ngoài cơ sở đào tạo; Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011, Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22/12/2010 quy định thẩm định và phê duyệt cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành mới, v.v...

Bởi vậy, về cơ bản, tự chủ đại học thời gian qua chỉ là tự chủ thủ tục (procedural autonomy): trường đại học có thẩm quyền trong việc thực hiện các quyết định sẵn có nhưng không có quyền đưa ra quyết định của riêng mình, hoặc chỉ có quyền đưa ra các quyết định từng phần (nên còn được hiểu là tự chủ từng phần). Đó chưa phải là tự chủ thực chất (substantive autonomy) khi trường đại học có thẩm quyền đầy đủ để đưa ra các quyết định vận hành nhà trường hướng tới mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi đã được xác định và không còn phải lo ngại về các thủ tục quản lý hành chính rườm rà, quan liêu hay các rào cản lợi ích và quyền lực.