Chính phủ Ấn Độ đã thông qua các quy định đầu tiên về đạo văn, một vấn đề đang ngày càng phổ biến trong lĩnh vực học thuật.

Ấn Độ vừa có những chính sách mới về đạo văn. Nguồn: Science

Những quy định này có tính bắt buộc đối với tất cả các trường đại học trong nước và được thừa nhận bởi Ủy ban Tài trợ Đại học Ấn Độ (UGC). Chính sách mới đưa ra bốn mức để xử lý vấn đề đạo văn – hành động đượcUGC định nghĩa là thủ đoạn lấy ý tưởng và sản phẩm của người khác để biến chúng thành của riêng mình.

Ở mức đầu tiên, hành động đạo văn với số lượng nhỏ hơn 10% của một luận văn tốt nghiệp, bài báo nghiên cứu, sách, hoặc một số tài liệu khác là chấp nhận được và sẽ không bị phạt. Mức thứ hai, trong đó một tài liệu đạo văn từ 10 – 40%, sinh viên buộc phải nộp bản thảo sửa đổi và giáo viên hướng dẫn cần thu hồi tài liệu đạo văn của sinh viên.

Mức thứ ba, trong trường hợp 40 – 60% nội dung tài liệu đạo văn, sinh viên bị đình chỉ học trong một năm, giáo viên hướng dẫn không được hưởng tiền tăng lương hằng năm và bị cấm hướng dẫn sinh viên trong 2 năm. Mức cuối cùng, sinh viên đạo văn hơn 60% luận văn tốt nghiệp sẽ bị đuổi khỏi chương trình học. Trong khi đó, giáo viên hướng dẫn bị mất tiền tăng lương trong 2 năm và không được hướng dẫn sinh viên trong 3 năm.