Trên bảng xếp hạng đại học thế giới World University Rankings (WUR) 2023 do Times Higher Education vừa công bố, các trường đại học Trung Quốc đang tiến gần đến các trường đại học Mỹ về chất lượng nghiên cứu, nhưng lĩnh vực quốc tế hóa vẫn tỏ ra là một mắt xích yếu của nước này.


Một phòng thí nghiệm của Đại học Oxford, đại học xếp hạng nhất trong bảng xếp hạng năm nay của THE.

Times Higher Education(THE) đo lường hiệu quả hoạt động của mỗi đại học ở 4 lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế. Ở mỗi lĩnh vực, điểm được chấm trên thang 100. Điểm cuối cùng là trung bình cộng của điểm ở các lĩnh vực.

Trong năm qua, điểm trích dẫn trung bình của các đại học Trung Quốc - một điểm thành phần ở lĩnh vực nghiên cứu và theo THE là điểm thành phần thể hiện chất lượng nghiên cứu - đã tăng đáng kể, từ 55,6 lên 58,0. Trong khi điểm trung bình về trích dẫn của Mỹ giảm nhẹ, từ 70,0 xuống 69,4.

Điểm tổng trung bình cho các trường đại học Mỹ tăng 0,1 qua 2 kỳ xếp hạng, trong khi các trường đại học Trung Quốc tăng 1,6. Mức tăng trung bình trên toàn thế giới là 0,7.

Mỹ có 34 trường đại học trong top 100, so với 38 trường hồi năm ngoái. Đại học Minnesota, Đại học Maryland, Đại học Bang Michigan, Đại học Bang Ohio và Đại học Dartmouth đều đã rớt khỏi top 100. Trong khi đó, Trung Quốc có thêm 6 trường trong top 100 so với năm ngoái, nâng tổng số lên 7.

Wei Zhang, trợ lý giáo sư tại Đại học Leicester và là một chuyên gia về giáo dục đại học Trung Quốc, cho biết đất nước này hiện “rõ ràng là một siêu cường” về khoa học. “Chất lượng đầu ra của nghiên cứu có nguồn gốc từ Trung Quốc đang bắt kịp Mỹ và sẽ tiếp tục xu hướng đi lên", Zhang nói.

Tuy nhiên, bức tranh của cường quốc châu Á không hoàn toàn là màu hồng. Dữ liệu xếp hạng tiết lộ rằng lĩnh vực quốc tế hóa của đại học Trung Quốc đang đi xuống.

Điểm trung bình của các đại học Trung Quốc cho triển vọng quốc tế đã giảm từ 34,1 năm ngoái xuống 32,6 năm nay. Cụ thể hơn, điểm thành phần về sinh viên quốc tế giảm từ 33,9 xuống 32,4; về đồng tác giả quốc tế từ 24,0 xuống 22,5; và nhân lực quốc tế từ 44,3 xuống 43,0.

Đại học xếp hạng cao nhất của Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa, đạt 40,3 điểm cho triển vọng quốc tế trong năm nay, giảm so với mức 50,6 năm ngoái.

THE đo lường hiệu quả hoạt động của mỗi đại học trong 5 lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu, trích dẫn, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế. Ở mỗi lĩnh vực, điểm được chấm trên thang 100. Điểm cuối cùng là trung bình cộng của các lĩnh vực.

Tình hình địa chính trị là một nguyên nhân quan trọng, theo James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Úc-Trung tại Đại học Công nghệ Sydney. “Các học giả Trung Quốc phải thận trọng hơn và phải vượt qua những vòng thủ tục quan liêu hơn để hợp tác với các đối tác nước ngoài," Laurenceson nói.

Đây không chỉ là tin buồn với Trung Quốc. "Không một tổ chức nào, không một quốc gia nào, dù là quốc gia lớn nhất, có đủ năng lực để thực hiện tất cả các công việc cần thiết để giải quyết các vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, bệnh truyền nhiễm, v.v... Chúng ta cần hợp tác”, Stephen Toope, người vừa thôi giữ vị trí phó hiệu trưởng Đại học Cambridge trong tháng này, cho biết.

Lần đầu ĐH Huế vào xếp hạng đại học thế giới

Việt Nam có 6 trường vào WUR 2023, so với năm ngoái có thêm ĐH Huế.

Đứng ở thứ hạng cao nhất là ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng, thuộc nhóm 401-500. (Từ sau thứ hạng 200, WUR chỉ chia khoảng chứ không xếp thứ hạng cụ thể.)

ĐH Quốc gia Hà Nội đứng trong nhóm 1.001 – 1.200; còn ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế và ĐH Quốc gia TPHCM đều trong nhóm 1.500 - 1.799.

Các đại học Việt Nam không chênh lệch nhau nhiều về điểm ở các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế. Tuy nhiên về trích dẫn, ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng đạt điểm cao hơn hẳn, lần lượt là 100 và 99,2 điểm – so với các trường còn lại chỉ ở khoảng 20-40.


Nguồn: