Theo một nghiên cứu mới, nhiệt lượng ngày càng đi sâu dần và tích tụ nhiều trong đại dương, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan và gây ảnh hưởng đến sinh vật biển.

Tốc độ ấm lên ở độ sâu 2km tính từ bề mặt đại dương toàn cầu đã tăng gấp đôi so với tốc độ ấm lên những năm 1960.

Hơn 90% nhiệt lượng này đến từ khí quyển nóng lên do khí nhà kính từ đốt nhiên liệu hóa thạch.

Nhiệt lượng tăng thêm đang đẩy nhanh mực nước biển dâng, tăng cường các hiện tượng mưa cực đoan, băng tan, làm mạnh thêm các cơn lốc xoáy và thay đổi vị trí lốc xoáy hình thành, đồng thời gây ra các đợt nắng nóng dữ dội hơn trên biển.

Các môi trường sống ở biển bao gồm các rạn san hô cũng đang bị đe dọa.

Đại dương nóng lên cũng đồng nghĩa với giảm khả năng lấy carbon ra khỏi bầu khí quyển.

Ngay cả trong các kịch bản tích cực nhất về giảm phát thải khí nhà kính, nghiên cứu cho biết đến cuối thế kỷ tốc độ nóng lên của đại dương vẫn sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại.

Giáo sư Matt England, đồng tác giả nghiên cứu và nhà hải dương học tại Đại học New South Wales cho biết: “Sự ấm lên của đại dương đã gây ra mưa lũ, băng tan và mực nước biển dâng cao, cũng như làm tổn hại đến các rạn san hô và hệ sinh thái. Nếu không giảm lượng khí thải, tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn nhiều”.

Hình minh họa. Nguồn: Reuters

15 nhà khoa học từ Úc, New Zealand, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pháp và Hoa Kỳ đã thực hiện nghiên cứu. Họ phân tích lịch sử nhiệt độ đại dương ở các độ sâu khác nhau.

Tất cả các lưu vực đại dương đang trở nên nóng hơn, nhưng khu vực nóng lên rõ rệt nhất là Nam Đại Dương và Đại Tây Dương.

Tiến sĩ Kevin Trenberth, đồng tác giả tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: “Đại dương nóng lên không ngừng kéo theo những hậu quả to lớn, gia tăng mực nước biển, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể trở nên lớn hơn, dữ dội hơn và tồn tại lâu hơn”.

Theo Trenberth, với tốc độ nóng lên hiện tại, lượng năng lượng được bổ sung vào đại dương mỗi năm dưới dạng nhiệt tương đương với khoảng 80 lần tổng sản lượng điện toàn cầu.

Trenberth nói: “Ngay cả khi chúng ta xuống mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, nhiệt lượng của đại dương vẫn tiếp tục tăng lên và mực nước biển sẽ tăng lên trong vài thế kỷ nữa".

Giáo sư David Schoeman, Đại học Sunshine Coast, không tham gia vào nghiên cứu mới, nhưng là tác giả chính của chương đại dương trong báo cáo khí hậu gần đây nhất của Liên hợp quốc, cho biết việc đánh giá này hoàn toàn phù hợp với các đánh giá trước đây của Liên hợp quốc.

Schoeman cho biết sóng nhiệt biển, trầm trọng hơn do sự nóng lên toàn cầu, đã gây ra chết hàng loạt động thực vật biển.

“Các ước tính trong bài báo này cho thấy trung bình chúng ta đã giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt lượng tương đương với khoảng 3,5 quả bom nguyên tử Hiroshima xuống đại dương trong giai đoạn 1971-2018", Schoeman nói. “Đại dương toàn cầu đóng góp một cách rất thực tế vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta, nhưng điều này thường bị bỏ qua vì những lợi ích trước mắt”.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Reviews: Earth and Environment.

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2022/oct/18/amount-of-ocean-heat-found-to-be-accelerating-and-fuelling-extreme-weather-events