Lưới, dây, móc và các dụng cụ đánh bắt nói chung có thể gây hại cho động vật hoang dã khi chúng trôi nổi trong đại dương, chìm xuống đáy hoặc dạt vào bờ biển.

Số dây câu bị bỏ lại trên đại dương mỗi năm đủ để kéo dài đến mặt trăng và quay trở lại, theo một nghiên cứu mới về số dụng cụ đánh cá bị mất trên toàn cầu. Số lưới bị mất hoặc bị loại bỏ mỗi năm đủ để bao phủ Scotland.

Nhóm nghiên cứu cho biết, mỗi năm có khoảng 25 triệu chậu, bẫy và 14 tỷ lưỡi câu bị thải ra dại dương. Mỗi dụng cụ này đều có thể gây chết sinh vật biển.

Tiến sĩ Denise Hardesty, thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) của chính phủ Úc và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Đây là một lời cảnh tỉnh".

Hình minh họa. Nguồn: PA

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances. Các nhà nghiên cứu từ CSIRO và Đại học Tasmania đã phỏng vấn 451 ngư dân thương mại ở 7 quốc gia để hỏi số dụng cụ bị mất mỗi năm. Từ số lượng này, và dữ liệu về lượng đánh bắt thương mại trên toàn cầu, họ ước tính số dụng cụ bị mất trên toàn cầu.

Những ngư dân được phỏng vấn đến từ Maroc, Indonesia, Belize, Peru, Iceland và New Zealand. Các quốc gia này được chọn vì họ có ngành đánh bắt cá sử dụng hầu hết các phương pháp đánh bắt.

Kết quả, họ ước tính mỗi năm có khoẳng 78.000 km vuông lưới bị thải ra đại dương, 740.000 km dây câu, 13 tỷ móc câu dài, 25 triệu bẫy và chậu.

Một ước tính trước đây đưa ra tỷ lệ phần trăm dụng cụ bị mất ở mức cao hơn, nhưng nghiên cứu đó dựa trên dữ liệu sẵn có chứ không phải dựa trên các cuộc phỏng vấn thực tế.

Hardesty cho biết những người đánh cá thường bị mất lưới do thời tiết xấu, thiết bị không được bảo quản đúng cách hoặc bị trôi đi, hoặc thiết bị của các tàu bị vướng vào nhau khi đang tranh giành cá.

Vì lưới và móc câu được thiết kế để bắt và giết động vật, thiết bị bị mất sẽ tiếp tục gây hại cho động vật hoang dã trong suốt nhiều năm chúng trôi trong đại dương, chìm xuống đáy hoặc dạt vào bờ biển. Các loài bị ảnh hưởng bao gồm chim, rùa, cá voi, cá mập, cá heo.

Kelsey Richardson, tác giả chính từ Đại học Tasmania, cho biết các ước tính chi tiết này sẽ giúp các nhà quản lý nghề cá, ngành đánh bắt cá thương mại và các nhà bảo tồn xác định các giải pháp tốt hơn.

Hardesty cho biết một số giải pháp là chính quyền địa phương mua lại ngư cụ cũ, gắn thẻ hoặc nhãn vào dụng cụ đánh bắt, và tạo ra các cơ sở thu gom dụng cụ cũ miễn phí tại các cảng để giúp ngư dân loại bỏ dụng cụ không còn dùng đến.

Richard Leck, nhà nghiên cứu đại dương tại WWF Australia, cho biết: “Những con số này cho chúng ta thấy quy mô khủng khiếp của vấn đề và cho thấy sự cấp bách cần phải giải quyết".

Leck cho rằng Liên Hợp Quốc cần phải thảo luận các cơ chế giải quyết vấn đề này ở cấp độ toàn cầu để đảm bảo các quốc gia đều có trách nhiệm trong việc quản lý ngư cụ.

“Tình trạng này ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia - không chỉ những nơi bị mất lưới. Dụng cụ có thể di chuyển khắp các đại dương và gây hại cho các loài bị đe dọa", Leck nói.

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2022/oct/16/new-study-reveals-staggering-scale-of-lost-fishing-gear-drifting-in-earths-oceans