Hãy tưởng tượng bạn được mời bình duyệt một bài báo khoa học. Nhận thấy tên tác giả là người đoạt giải Nobel, bạn có dễ dàng chấp thuận bài báo hơn không, so với nếu tác giả là người chưa có danh tiếng? Nghiên cứu mới được công bố vào tháng 9 cho biết: có, dễ hơn gấp 6 lần.

Khi người bình duyệt và tác giả đều ẩn danh, thì khả năng thiên vị trong khi đánh giá sẽ thấp hơn.
Khi người bình duyệt và tác giả đều ẩn danh, thì khả năng thiên vị trong khi đánh giá sẽ thấp hơn.

“Mọi người đều tin rằng danh tiếng của học giả có tác động nhất định, nhưng mức độ như vậy thì thật đáng kinh ngạc", tác giả nghiên cứu Stefan Palan tại Đại học Graz, Áo, cho biết.

Nghiên cứu của Palan ủng hộ bình duyệt ẩn danh hai chiều - trong đó người bình duyệt và tác giả không biết danh tính của nhau. Cách bình duyệt này cho kết quả khách quan hơn, theo Palan, người đang đảm nhận vai trò đồng biên tập của Journal of Behavioral and Experimental Finance, một tạp chí áp dụng bình duyệt ẩn danh kép.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu về quy trình bình duyệt bài báo khoa học, qua đó tiết lộ các vấn đề như thiên kiến về giới - tác giả nam có tỷ lệ được chấp nhận cao hơn tác giả nữ, và thiên kiến về danh tiếng - tác giả có tên tuổi được đánh giá cao hơn.

Dù vậy, quy trình bình duyệt được các tạp chí khoa học ưa chuộng nhất vẫn là ẩn danh một chiều - tác giả không biết tên của người bình duyệt, nhưng người bình duyệt biết tên tác giả.

Ví dụ: tại Wiley, một trong những công ty xuất bản lớn nhất trên toàn thế giới, 62% trong số hơn 1.500 tạp chí áp dụng bình duyệt ẩn danh một chiều; trong khi chỉ 37% áp dụng bình duyệt ẩn danh hai chiều và chỉ 1% áp dụng ẩn danh ba chiều, cả người bình duyệt và biên tập viên đều không biết danh tính của tác giả.

Một nghiên cứu khác, được công bố vào tháng 8, xác nhận ảnh hưởng của tình trạng thiên kiến danh tính trong một mẫu hơn 150.000 bài báo, đồng thời chỉ ra có thể đạt được các lợi ích tích cực của bình duyệt ẩn danh hai chiều bằng cách phổ biến quy trình này cho các tác giả, thay vì phải thay vì thúc ép cả hệ thống. “Tôi ủng hộ bình duyệt ẩn danh hai chiều,” tác giả chính Inna Smirnova, nhà nghiên cứu thông tin tại Đại học Michigan, cho biết.

Trớ trêu thay, nghiên cứu của Palan và Smirnova đều đã được đăng trên SSRN, một mạng lưới không bình duyệt giúp các học giả nhanh chóng phổ biến kết quả nghiên cứu giai đoạn đầu. Cả hai nghiên cứu cũng được gửi đến các tạp chí có bình duyệt, nhưng với việc nghiên cứu đã nổi tiếng, rất khó để thực hiện bình duyệt ẩn danh hai chiều.

Phép thử

Là một biên tập viên, Palan muốn tìm hiểu tác động của bình duyệt ẩn danh hai chiều ở tạp chí của mình. Bài báo được đưa vào thử nghiệm là của Vernon Smith, nhà kinh tế học tại Đại học Chapman, giải Nobel năm 2002; và đồng tác giả Sabiou Inoua, đồng nghiệp của Smith và là nhà kinh tế học mới vào nghề.

Nhóm Palan mời hơn 3.000 người bình duyệt bài báo, có lúc tiết lộ tên của Smith, có lúc tiết lộ tên của Inoua, có lúc tiết lộ tên của cả hai tác giả, và có lúc ẩn danh hoàn toàn.

Kết quả, tên tác giả đã ảnh hưởng đến việc mọi người có sẵn sàng bình duyệt bài báo hay không. Tỷ lệ chấp nhận lời mời bình duyệt đã tăng từ 29% khi tên của tác giả ít danh tiếng được tiết lộ lên 36% khi tên của tác giả đoạt giải Nobel được tiết lộ.

Nhưng tệ hơn, danh tiếng của tác giả ảnh hưởng rõ rệt đến ý kiến của người bình duyệt. Khi tên của Smith được tiết lộ, tỷ lệ người bình duyệt cho rằng không nên đăng bài báo là 23%. Khi tên của Inoua được tiết lộ, tỷ lệ tăng lên 65%.

Tỷ lệ người bình duyệt ngay lập tức chấp nhận bài báo, hoặc yêu cầu sửa đổi nhỏ tăng vọt từ 10% lên 59%, khi quyền tác giả của Smith được tiết lộ.

“Tôi cảm giác Vernon và mình sẽ có tỷ lệ bị từ chối khác nhau cho cùng một bài báo, nhưng không phải ở mức độ như vậy", Inoua nói.

Các ý kiến cụ thể của người bình duyệt cũng thay đổi khi họ biết danh tính tác giả. Chẳng hạn, họ tỏ ra sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận một kết quả có vẻ kỳ lạ. Thậm chí, Palan cho hay, tất cả các phương diện ý kiến của người bình duyệt đều thay đổi, bao gồm mức độ thích đáng của chủ đề, tính mới của thông tin, và tính thuyết phục của kết luận.

Tất nhiên những điều này đánh nhẽ không nên thay đổi chỉ vì tên tác giả, theo Palan.

Cách làm mới

Để kiểm tra xem bình duyệt ẩn danh hai chiều có làm giảm thiên kiến về danh tính hay không, nhóm Smirnova đã xem xét các bài báo được gửi đến 57 tạp chí do IOP Publishing xuất bản. Nhà xuất bản này bắt đầu sử dụng bình duyệt ẩn danh hai chiều, nếu học giả có yêu cầu, từ tháng 11/2020. Kết quả, ẩn danh hai chiều làm tăng 5,6% tỷ lệ chấp nhận đối với các tác giả ít tên tuổi, trong khi giảm 2,2% tỷ lệ chấp nhận đối với các tác giả danh tiếng. Bình duyệt ẩn danh hai chiều không tạo ra các tác động không mong muốn, như giảm số người sẵn sàng nhận bình duyệt hoặc một dạng thiên vị mới dành cho các bài báo ẩn danh.

Mặc dù đem lại mức độ công bằng cao hơn, vẫn không có nhiều học giả lựa chọn bình duyệt ẩn danh hai chiều khi nộp bài báo. Trong nghiên cứu nói trên, con số này chưa đến 1/5 số học giả.

Nature Portfolio, bộ phận xuất bản tạp chí học thuật của Springer Nature, đã cho phép bình duyệt ẩn danh hai chiều trên toàn bộ các tạp chí của mình nếu học giả yêu cầu, kể từ năm 2015. Nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, chỉ 12% số tác giả gửi bài báo chọn quy trình này.

Smirnova hy vọng các kết quả mới sẽ truyền cảm hứng để các học giả thay đổi.

Bình duyệt ẩn danh làm giảm thiên vị, nhưng cũng đi kèm với những bất cập, chẳng hạn làm tăng nguy cơ ngụy tạo hoặc gian lận mà không lo bị lật tẩy, theo Hassan Murad, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Phòng khám Mayo ở Rochester, Minnesota.

“Bình duyệt ẩn danh hai chiều là quy trình tệ nhất, không kể tất cả các quy trình khác”, Palan nói vui về quy trình mà ông khuyến nghị. “Tôi nghĩ bình duyệt ẩn danh hai chiều vẫn còn nhiều bất cập, nhưng tôi không thấy quy trình nào tốt hơn".

Nguồn: