Buổi hội thảo “Kháng kháng sinh: Cơ hội và thách thức” do Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) tổ chức ngày 20/9 vừa qua đã nêu lên một vấn đề mới nổi nhưng quan trọng: xây dựng các phòng xét nghiệm vi sinh có khả năng phát hiện vi khuẩn kháng kháng sinh.
Cung cấp bằng chứng
cho bác sĩ
Thuốc kháng sinh là vũ khí tuyệt vời do con người tạo ra để
chống lại các bệnh do nhiễm khuẩn, nhưng giờ đây vi khuẩn đã phát triển nhiều
khả năng chống lại các loại thuốc vốn dùng để tiêu diệt chúng.
Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai từng điều trị cho một
bệnh nhân nam 37 tuổi bị viêm tụy cấp gây suy đa tạng có nguy cơ tử vong cao.
Tuy nhiên khi nhập viện, bệnh nhân này đã kháng tất cả các loại thuốc kháng
sinh điều trị thông thường, vì vậy các sĩ buộc phải sử dụng kháng sinh thế hệ
cao nhất để điều trị. Họ cho biết, nếu không kháng kháng sinh thì bệnh nhân có
thể ra viện từ rất sớm, nhưng vì nhiễm trung vi khuẩn đa kháng nên hơn một
tháng sau anh mới được ra viện. Một bệnh nhân khác bị nhiễm trùng hậu phẫu được
điều trị bằng loại kháng sinh thuộc hàng phòng thủ cuối cùng mà con người có thể
sử dụng là colistin, nhưng hy vọng khỏi bệnh cũng rất mong manh.
Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, khi những phòng xét nghiệm
vi sinh đầu tiên ở 16 bệnh viện của Việt Nam có thể xét nghiệm được mức độ
kháng thuốc của vi khuẩn thông qua kỹ thuật kháng sinh đồ hoặc giải trình tự
gene, người ta đã liên tiếp báo cáo các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp đã
kháng lại các loại kháng sinh thế hệ 1, 2, thậm chí là kháng sinh thế hệ 3,4. Tình
trạng đa kháng (kháng hai nhóm kháng sinh trở lên) và toàn kháng (kháng với tất
cả kháng sinh) cũng xuất hiện trên một số mầm bệnh quen thuộc như E. coli, K.
pneumoniae, P. aeruginosa, S. aureus, A.baumanni…
Tại hội thảo kháng kháng sinh ngày 20/9, hơn 70 đại biểu – gồm
các nhà quản lý từ Bộ Y tế, các bác sĩ, dược sĩ từ các bệnh viện trung ương và
bệnh viện đa khoa tỉnh, và nhiều nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và trường
đại học về y khoa – đã cùng nhau thảo luận về cách thức giảm thiểu gánh nặng do
kháng kháng sinh của hệ thống y tế. Nhiều vấn đề đã được đưa ra, nhưng nổi bật
nhất trong đó là vai trò của các phòng xét nghiệm vi sinh phát hiện vi khuẩn
kháng thuốc.
Có thể nói, phòng thí nghiệm vi sinh là chiếc “la bàn” còn
thiếu trong cuộc chiến chống kháng kháng sinh không cân sức. Trong khi vi khuẩn
phát triển khả năng kháng thuốc với tốc độ tính bằng ngày, bằng tháng thì con
người phải mất vài chục năm mới phát triển được một loại kháng sinh mới. Để bảo
vệ nguồn kháng sinh hiện có, con người phải thay đổi chiến lược sử dụng thuốc
sao cho đúng lúc, đúng chỗ và đúng loại.
Chẳng hạn, nếu xét nghiệm thấy bệnh nhân có mang vi khuẩn
kháng methicilin và cephalosporin thì sau khi loại trừ hai nhóm kháng sinh đã
biết, bác sĩ có thể chọn được một loại kháng sinh phù hợp hơn và sử dụng với liều
lượng thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo được tác dụng điều trị. Mặt khác, nếu mọi ca
bệnh mới nhập viện ngay lập tức được xét nghiệm vi khuẩn kháng kháng sinh – như
những gì mà Bệnh viện Nhi Trung ương đang làm – thì các cơ sở y tế có thể nhanh
chóng cách ly những ca nhiễm trùng nguy hiểm để tránh mầm bệnh kháng thuốc lây
lan trong bệnh viện hoặc cộng đồng.
Là người có nhiều năm gắn bó với nghề và cũng nếm trải nhiều
chuyện vui buồn với các ca bệnh, BS. Nguyễn Hồng Hà (nguyên Phó giám đốc Bệnh
viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chia sẻ, các bác sĩ đang chẩn đoán bệnh nhiễm
trùng hiện nay phần nhiều dựa vào kiến thức và kinh nghiệm là chính. Do đó,
cũng cần cập nhật các kết quả của phòng thí nghiệm và những quy trình hội chẩn
trước khi đi đến kết luận điều trị.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm vi khuẩn kháng kháng sinh ở các
ca bệnh hằng ngày tại Việt Nam chưa phổ biến. Chính vì thế, phần lớn các bác sĩ
đang điều trị kháng sinh một cách “mò mẫm” mà không có bằng chứng lâm sàng để củng
cố. Trong một cuộc trò chuyện với KH&PT vào tháng bảy, TS. Phạm Đức Phúc
(Viện trưởng Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững) tâm sự, vì không
có đủ thông tin để đối phó với những bệnh nhiễm trùng chưa xác định, các bác sĩ
thường phải dùng cách tiếp cận “bao vây” – tức kê đơn kháng sinh một vài ngày,
nếu không khỏi thì đổi sang loại khác.
Mặc dù kiến thức và kinh nghiệm đúc kết từ những ca bệnh của
các bác sĩ là yếu tố không thể thay thế, nhưng với mức độ kháng kháng sinh như
hiện nay thì những kinh nghiệm này có thể không theo kịp thực tiễn lâm sàng. Do
vậy, bản thân các bác sĩ và bệnh viện cần phải được trao thêm công cụ xét nghiệm
để “định hướng” việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.
Phát triển hệ thống
phòng xét nghiệm vi sinh.
Trên thực tế, ở Việt Nam mới chỉ có 16 bệnh viện có phòng
thí nghiệm vi sinh đủ khả năng để giám sát kháng kháng sinh. Con số này dự kiến
sẽ mở rộng lên 40 bệnh viện trong vài năm tới, nhưng quá trình phát triển cũng
gặp nhiều khó khăn cả về nhân lực, đầu tư và nhận thức.
Hiện một số bệnh viện vệ tinh có thể gửi những mẫu xét nghiệm
nghi ngờ kháng kháng sinh lên các phòng xét nghiệm tham chiếu để thực hiện,
nhưng hoạt động này không phổ biến và đôi khi vấp phải những rào cản do không
có cơ chế “thuê-mướn” hoặc chia sẻ cơ sở vật chất nghiên cứu giữa các bệnh viện.
Tại những bệnh viện đã có phòng xét nghiệm, một số nhà vi
sinh nói rằng cần phải tăng cường các xét nghiệm kháng kháng sinh hơn nữa, thậm
chí xét nghiệm tất cả các ca bệnh, lấy mẫu bệnh viện và coi đó như một quy
trình chuẩn. Tuy nhiên, các nhà quản lý bệnh viện tỏ ra lưỡng lự trước đề nghị
này vì chưa tìm được nguồn chi trả thích hợp. Trong khi đó, một số loại xét
nghiệm phổ biến, dễ thực hiện hơn (và đôi khi kém quan trọng hơn) có thể được bảo
hiểm y tế hoặc người dân chấp nhận bỏ tiền.
Từ trải nghiệm của mình, TS. Hoàng Thị Bích Ngọc (Khoa vi
sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng, việc xây dựng các phòng thí nghiệm vi
sinh trên thực tế sẽ đem lại lợi ích lớn cho bản thân bệnh viện – cả về mặt hiệu
quả khám chữa bệnh lẫn chi phí y tế và chi phí quản lý – do vậy các bệnh viện cần
chủ động thay đổi trước khi chờ đến những thay đổi mang tính hệ thống. Một
phòng xét nghiệm tốt có thể giúp bệnh viện sử dụng ít kháng sinh hơn, hạn chế
được những ca lây nhiễm nghiêm trọng, cung cấp số liệu để đánh giá xu hướng
kháng kháng sinh và hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa hiện có.
TS. Ngọc bộc bạch, “Là một bệnh viện quan trọng ở tuyến cuối,
chúng tôi cần tự cứu lấy mình trước khi nghĩ đến việc giúp đỡ người khác”. Ở Bệnh
viện Nhi Trung ương, hiện toàn bộ kinh phí của phòng xét nghiệm vi sinh đều được
bệnh viện đảm bảo. Một tháng, họ thực hiện hơn 10.000 mẫu xét nghiệm. Bất kì
người bệnh nào từ tuyến dưới chuyển đến cũng được xét nghiệm vi sinh. Định kì,
các bác sĩ, y tá và phòng mổ đều được lấy mẫu. Khoa nào trong viện có nghi ngờ
ca bệnh thì điều đầu tiên luôn là báo cho phòng thí nghiệm vi sinh tới lấy mẫu,
dù vào ban đêm. Cứ đến thứ sáu, các bác sĩ chủ chốt trong khoa y sinh lại tổ chức
những buổi chia sẻ chuyên môn với những khoa lâm sàng hoặc tập huấn online cho
các phòng thí nghiệm, bệnh viện tuyến dưới.
Những nhà vi sinh như TS. Ngọc cũng được thường xuyên tham
gia vào các buổi hội chẩn, bởi có những kiến thức mà bác sĩ lâm sàng có thể xa
lạ nhưng người làm nghiên cứu vi sinh như chị lại dễ dàng đọc ra từ các số liệu,
phân tích bộ gene và chủng vi sinh vật, chẳng hạn như suy luận kháng kháng sinh
hay gợi ý phương án phối hợp thuốc phù hợp dựa trên nguồn thuốc mà bệnh viện
đang có. “Chúng tôi muốn gia tăng sự tương tác giữa vi sinh và lâm sàng, vì
không có vi sinh thì lâm sàng thiếu mất bằng chứng, mà không có lâm sàng thì
các số liệu vi sinh cũng chỉ là số liệu chết”, chị nói.
Vậy xây dựng các phòng xét nghiệm vi sinh có thể phát hiện
ra vi khuẩn kháng kháng sinh có khó không? Theo kinh nghiệm của mình, TS. Ngọc
cho biết hiện có rất nhiều kỹ thuật vi sinh mà các bệnh viện tuyến huyện đã có
thể thực hiện dễ dàng, chi phí không cao và cho kết quả chỉ trong vòng vài phút
đến 24-48 giờ. Chúng bao gồm các thử nghiệm AST kiểu hình để phát hiện ra sự xuất
hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh, chẳng hạn sử dụng môi trường tạo màu cho
khuẩn lạc để phát hiện nhanh tác nhân gây bệnh, nuôi cấy phát hiện vi khuẩn bằng
enzyme, phương pháp định lượng pha loãng, phương pháp định lượng ETEST, phương
pháp AST nhanh dựa trên thiết bị tự động…
Những phương pháp chính xác hơn dựa trên sinh học phân tử,
giải trình tự gene và thử nghiệm mức độ kháng kháng sinh có thể được thực hiện ở
những phòng thí nghiệm cấp cao. TS. Ngọc nói rằng các phòng thí nghiệm cũng cần
liên kết với nhau để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên gia đào
tạo để phát triển nguồn nhân lực, bởi hiện nay vi sinh đang nằm ở “vùng trũng”
về nhân lực.
Trong khi đó, ThS. Lê Thị Kim Dung (Cục Quản lý Khám chữa bệnh,
Bộ Y tế) tin rằng việc xét nghiệm vi sinh sẽ phải sớm trở nên phổ biến, dù chưa
bắt buộc trong tiêu chuẩn đánh giá các bệnh viện. Chị cho biết, Chương trình quản
lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện hiện nay đã đưa vào những điểm mới – như
đưa lãnh đạo bệnh viện vào ban quản lý kháng kháng sinh để buộc họ phải có
trách nhiệm tìm nguồn đầu tư kinh phí và có chính sách hỗ trợ cho các khoa vi
sinh.
Trong giai đoạn hiện tại, vì năng lực vi sinh của các bệnh
viện tuyến huyện còn yếu nên Bộ Y tế đang dự thảo một hướng dẫn sử dụng và quản
lý kháng sinh chung, tuy nhiên, khi năng lực của các phòng thí nghiệm vi sinh
được cải thiện thì điều quan trọng nhất là mỗi bệnh viện cần tự xây dựng hướng
dẫn sử dụng kháng sinh của riêng mình và tham gia vào mạng lưới giám sát tình hình
kháng kháng sinh trên toàn quốc.