Những cơ sở khoa học căn bản đầu tiên về Sâm vũ diệp và Tam thất hoang đã đặt nền móng đầu tiên cho một bước phát triển mới của loài cây đặc hữu trên dãy Hoàng Liên Sơn này: phát triển nguồn thuốc và thực phẩm bổ sung, với nhu cầu rất lớn từ thị trường.

Sâm vũ diệp
Sâm vũ diệp

Xác định “dấu vân tay hóa học” của loài dược liệu quý bị lãng quên

Sâm vũ diệp (Panax bipinnatifidus Seem.) và Tam thất hoang (Panax stipuleanatus H.Tsai et K.M.Feng) được phát hiện ở Việt Nam từ năm 1964 tại tỉnh Lào Cai. Nhưng sau 55 năm, khác với nước láng giềng là Trung Quốc – đẩy mạnh các nghiên cứu phân tích và tách chiết các thành phần hóa học của loài cây này phân bố tại Trung Quốc, thì các nghiên cứu tương tự ở Việt Nam vẫn rất ít ỏi và tản mạn. Việc sử dụng hai loại dược liệu này mới chỉ dừng lại ở... truyền miệng với tác dụng làm thuốc bổ “chung chung” giống như các loài sâm khác nhằm giảm đau, bổ huyết, cầm máu.

Theo thông tin từ Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hai loài đặc hữu có phạm vi phân bố rất hạn chế trong một số khu vực có địa hình heo hút ở vùng dãy Hoàng Liên này đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.

Một câu hỏi lớn đặt ra với các nhà nghiên cứu là nếu như thông thường chi Panax, họ Nhân sâm (Araliacea) có thành phần chính là saponin - đã được chứng minh là có tác dụng chống đông máu và chống ngưng tập tiểu cầu, “thì liệu các thành phần saponin trong Sâm vũ diệp, Tam thất hoang – thuộc chi Panax này, có tác dụng chống đông máu, chống ngưng tập tiểu cầu tương tự không? Liệu các thành phần saponin trong Sâm vũ diệp, Tam thất hoang có tác dụng phòng chống tắc nghẽn mạch, huyết khối không?”, TS. BS. Dương Thị Ly Hương, Khoa Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội nói. Việc trả lời những câu hỏi này không chỉ đem lại ý nghĩa cho nghiên cứu cơ bản mà còn để ứng dụng vào thực tiễn.

Hình vẽ Tam thất hoang.
Hình vẽ Tam thất hoang.

Vì vậy, nghiên cứu “Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để phát triển nguồn nguyên liệu và tạo sản phẩm từ hai loài cây thuốc Sâm vũ diệp và Tam thất hoang vùng Tây Bắc” mới đây do TS Dương Thị Ly Hương chủ nhiệm, Khoa Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Dược liệu - Bộ Y tế và Công ty Nam Dược thực hiện, đã đặt mục tiêu giải quyết những câu hỏi căn bản trên để từ đó phối hợp với Công ty Nam Dược đưa ra các phương án phát triển sản phẩm cho thị trường thuốc và thực phẩm chức năng.

Nhóm nghiên cứu đã xác định dấu “vân tay hóa học” của Sâm vũ diệp và Tam thất hoang - xây dựng phương pháp định lượng chất đánh dấu stipuleanosid R2, là chất hóa học đặc trưng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn hóa hai dược liệu cũng như tiêu chuẩn hóa các sản phẩm từ hai dược liệu sau này. Kết quả, năm hợp chất tinh khiết từ Sâm vũ diệp đã chiết xuất, phân lập và xác định cấu trúc hóa học gồm: β-sitosterol (1), oleanolic acid (2), daucosterol (3), stipuleanoside R2 (4) và araloside A methyl ester (5). Trong đó trong đó các chất oleanolic acid (2), stipuleanoside R2 (4) và araloside A methyl ester (5) lần đầu tiên được phân lập từ Sâm vũ diệp. Các hợp chất phân lập từ Tam thất hoang gồm: 3-O-α-L-arabinopyranosyl-(1→4)-β-Dglucuropyranosid-28-β-D-glucopyranosid oleanolic acid hay chikusetsusaponin IV (PS01), 28-β-D-glucopyranosyloleanolic-acid-3-O-β-D-xylopyranosyl(1→2)-[α-L-arabinopyranosyl-(1→3)]-β-D-glucuropyranosid-6-O-methyl este (PS02), 3-O-β-D-glucopyranosyl-(1→3)-β-D-glucuropyranosid-28-β-D-glucopyranosyl oleanolic acid methyl este (PS04), stipuleanosid R2 (PS05), stipuleanosid R1 (PS06). Trong đó hợp chất PS01PS02 lần đầu tiên được phân lập từ tam thất hoang.

Trong bối cảnh đang thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy trình nuôi trồng, sản xuất và chế biến sản phẩm mới, việc tiêu chuẩn hóa dược liệu để đưa vào Dược điển Việt Nam rất quan trọng Phần lớn các đề tài nghiên cứu đầu tư hiện nay mới tập trung vào mục đích bảo tồn còn kiểm định phân biệt dược liệu thật – giả, quy trình trồng theo GACP (tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái của Tổ chức Y tế thế giới) mới dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, thử nghiệm, gần như chưa áp dụng rộng rãi trên quy mô lớn. Tại Hội nghị “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ” tháng 6 vừa qua, ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Y dược Cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, hiện nay “các quy định về chất chuẩn (loại đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định với một hoặc một số thuộc tính) chỉ có ở thuốc Tây còn Đông dược thì có nhiều vị không có chất chuẩn, có trường hợp có chất chuẩn nhưng không có ý nghĩa gì, còn thực phẩm chức năng thì gần như thả nổi”.

Chất chỉ dấu, được đánh giá là một trong những đóng góp quan trọng nhất của đề tài, đã là một thông tin khoa học rất quan trọng. Nhưng mối quan tâm của các công ty nam dược và người tiêu dùng là loại dược liệu này có thể dùng để tạo ra sản phẩm gì, để điều trị hoặc phòng ngừa những căn bệnh nào?

Cần đầu tư dài hơi

Nghiên cứu bước đầu cho thấy cả hai dược liệu Sâm vũ diệp và Tam thất hoang có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu tốt, có tiềm năng ứng dụng đối với việc bảo vệ thành mạch, phòng ngừa huyết khối và các biến chứng tim mạch khác. Do đó, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn tìm hiểu hướng nghiên cứu ứng dụng về tác dụng chống đông, chống kết tập tiểu cầu, chống huyết khối, bước đầu sản xuất được 2000 viên nang mềm bào chế từ Sâm vũ diệp và Tam thất hoang đạt tiêu chuẩn cơ sở. Trên cơ sở này, các đơn vị nghiên cứu phát triển sản phẩm từ dược liệu khác muốn nghiên cứu và phát triển sản phẩm theo hướng đông máu và nghẽn mạch thì hoàn toàn có thể sử dụng các mô hình nghiên cứu in vitro và in vivo - là kết quả được xây dựng từ đề tài để triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu thêm “về tác dụng dược lý và nghiên cứu lâm sàng để có thêm bằng chứng về hiệu quả, và lợi ích của sản phẩm đối với các bệnh tim mạch”, TS Dương Thị Ly Hương lưu ý. Những gì hiện nay nhóm nghiên cứu đang có “mới là những tác dụng rất ban đầu, rất căn bản, còn muốn ứng dụng thành sản phẩm thì phải nghiên cứu kỹ hơn”.

Công ty Nam Dược, đơn vị rất “lăn lộn với vùng cao và chủ động muốn tham gia đề tài này”, lại có nguyện vọng nghiên cứu tác dụng an thần và tác dụng tăng cường sinh dục nam của dược liệu, bởi đường ra thị trường rộng mở hơn. “Doanh nghiệp hiện nay không mặn mà lắm với việc phát triển thành sản phẩm chống đông máu, vì quá khó để đưa vào thị trường, mặc dù rất có ý nghĩa”, TS. Dương Thị Ly Hương nói.

Vì vậy, nếu nhà nước không có định hướng tiếp tục đầu tư bài bản và dài hơi, nhóm nghiên cứu buộc phải trông chờ hoàn toàn vào các doanh nghiệp trong việc ứng dụng dược liệu, thì rất có thể chúng ta sẽ có thêm nhiều loại thực phẩm chức năng dễ bán, dễ quảng cáo ở các mảng thị trường “dễ tính” nhưng chưa phải là sản phẩm dựa trên những tính chất quan trọng nhất của hai loài dược liệu này.