Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện ra những trải nghiệm của tổ tiên như chấn thương và căng thẳng đều được truyền qua các thế hệ.
Theo Tân Hoa Xã, các nhà khoa học Trung Quốc ở Đại học Hạ Môn (Xiamen University) đã xác định được cách thức kinh nghiệm của tổ tiên về chấn thương, stress… được truyền qua các thế hệ như thế nào.
Họ đã tiến hành phân tích kết quả 139 công trình nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến 112 loài thực vật và động vật để nghiên cứu các hiệu ứng. Phân tích tổng hợp là kiểm tra dữ liệu từ một số nghiên cứu độc lập về cùng một chủ đề để xác định xu hướng chung.
Các nhà khoa học đã xác định hiệu ứng thích nghi giữa các thế hệ là kinh nghiệm của tổ tiên khi ở trong một môi trường stress hoặc môi trường thuận lợi, có thể hữu ích cho hậu thế. Hóa ra, hiệu ứng này biểu hiện rõ rệt nhất ở cây trồng hàng năm (annual plants) và động vật không xương sống, bất kể trải nghiệm đó là tiêu cực hay tích cực.
Ví dụ, khi thế hệ trước phải đối mặt với kẻ săn mồi thì thế hệ con cái sau đó tìm được cách bảo vệ tốt hơn khỏi những kẻ săn mồi. Nếu thế hệ trước phát triển trong ánh sáng yếu thì tốc độ tăng trưởng của thế hệ con cháu về sau cũng tăng trong ánh sáng yếu.
Trong khi đó, các loài động vật có xương sống, chẳng hạn như loài gặm nhấm và con người, chỉ phản ứng với môi trường thuận lợi và không phát triển hiệu ứng thích nghi giữa các thế hệ trong điều kiện stress. Có lẽ lý do là động vật có xương sống có thể tránh được các tính huống stress do khả năng di chuyển của chúng.
Công bố những phát hiện trên tạp chí Ecological Letters, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về việc cải thiện năng suất cây trồng, khiến chúng thích nghi tốt hơn với môi trường căng thẳng như hạn hán, tình trạng nóng lên và sâu bệnh.
Theo Motthegioi