Hans Eysenck (1916-1997), là một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại với số công trình nghiên cứu được công bố đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học tại Đại học King’s College, London đã thực hiện điều tra và đánh giá 26 bài nghiên cứu của ông là “không an toàn”.
Đại học King đánh giá kết quả và kết luận rút ra từ những bài nghiên cứu của Eysenck là “chưa chính xác về mặt khoa học”. Ảnh: Nick Rogers/ANL/Rex/Shutterstock
Phía Đại học King cho biết, hội đồng thẩm tra của trường đánh giá kết quả và kết luận rút ra từ những bài nghiên cứu trên là “chưa chính xác về mặt khoa học”. Giáo sư Sir Robert Lechler, hiệu trưởng nhà trường đã liên hệ với các biên tập viên của 11 tạp chí và khuyến nghị nên rút lại việc đăng tải 26 công trình trên.
Ngoài các công trình nghiên cứu, Eysenck nổi tiếng với góc nhìn gây tranh cãi về một số chủ đề như sắc tộc hay IQ. Đặc biệt, đối tượng được tập trung điều tra lần này là bài nghiên cứu mà trong đó nhà tâm lý học người Anh khẳng định ảnh hưởng của nhân cách tới nguy cơ tử vong do ung thư hay bệnh tim còn cao hơn cả việc hút thuốc.
Dù liên tục gặp phải chỉ trích, nhiều nhà khoa học vẫn tham khảo và chấp nhận ý tưởng nghiên cứu này. Nghiên cứu về mối liên hệ giữa nhân cách và bệnh tật được Eysenck thực hiện cùng nhà nghiên cứu người Đức Ronald Grossarth-Maticek trên hai nhóm người ở Crvenka (trước là Yugoslavia) và Heidelberg, từ thập niên 60 đến 80 thế kỉ trước.
Được khơi gợi từ công trình độc lập của Giáo sư Anthony Pelosi tại bệnh viện Priory, Glasgow, cuộc điều tra của Đại học King được cho là “đã dẫn tới một chuỗi những phát hiện gây sửng sốt nhất được đăng tải trên các tạp chí khoa học, với tầm ảnh hưởng chưa từng thấy trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh.”
Trước đó, những nghi ngờ của Pelosi phải mất đến ba năm mới được công bố, sau khi bị tạp chí do Eysenck sáng lập, Personality and Individual Differences, từ chối. Về sau, biên tập viên David Marks đã đăng tải trên tạp chí Health of Psychology. Ủng hộ những phát hiện trên còn có Richard Smith, cựu biên tập viên tạp chí khoa học BMJ, người đã công khai chỉ trích Eysenck từ năm 1992.
Eysenck và Grossarth-Maticek, trong công trình gây tranh cãi, đã xếp một số trong hơn 3,000 người tham gia thành các nhóm nhân cách “dễ mắc ung thư” và “dễ mắc bệnh tim”, cho rằng họ có nguy cơ tử vong vì bệnh cao gấp 121 lần (nhóm ung thư) và 27 lần (nhóm bệnh tim) so với người bình thường.
Nhóm nhân cách “dễ mắc ung thư” được mô tả là bị động khi đối mặt với áp lực từ bên ngoài, còn những người trong nhóm bệnh tim được cho là có nhân cách không thể bỏ qua một tình huống khiến bản thân không thỏa mãn, điều khiến họ trở nên hung hăng và chống đối. Những người độc lập và có tầm nhìn lạc quan về tương lai được xếp vào nhóm nhân cách khỏe mạnh.
Không chỉ dừng lại ở đây, hai nhà tâm lý học thậm chí còn đề ra phương pháp điều trị ung thư từ kết luận của mình. Trong một nghiên cứu khác, họ phát cho 600 người trong nhóm nhân cách “ung thư” một tờ truyền đơn dạy cách trở nên “độc lập” và tự định đoạt số phận của mình. Những lời khuyên trong đó có nội dung tương tự như: “Bạn nên đặt mục tiêu luôn luôn tạo ra các tình huống giúp bản thân sống cuộc đời hạnh phúc và thỏa mãn.” Dường như phép màu đã diễn ra, khi mà trong suốt 13 năm liền, 600 người này, một cách ngẫu nhiên, đã theo đuổi liệu pháp đọc sách (bibliotherapy) như hai nhà nghiên cứu đề xuất và cho thấy tỉ lệ tử vong chung là 32%, so với tỉ lệ 82% ở nhóm 600 người không nhận được tờ hướng dẫn.
Tuy nhiên, Pelosi, sau khi đã đọc chúng một cách tỉ mỉ và tìm ra các cách diễn giải khác, cho rằng đây là trò lừa bịp. Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý của Mỹ cho thấy các lý thuyết của Eysenck cho rằng nhân cách là nguyên nhân gây ung thư cao hơn cả việc hút thuốc đã đem lại cho ông nguồn ngân sách nghiên cứu khổng lồ tài trợ bởi các công ty thuốc lá. Năm 1991, Eysenck ra mắt tựa sách mang tên “Hút thuốc, Nhân cách và Áp lực” (Smoking, Personality and Stress) và được tái bản năm 2012. Trong cuốn sách, tác giả khẳng định “Vai trò của hút thuốc như một nhân tố gây nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch vành đã bị phóng đại quá mức”. Không phủ nhận ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý như trầm cảm hay lo âu tới các bệnh về thể chất, song Pelosi cho rằng Eysenck đã “lạm dụng chúng với những khẳng định lố bịch của ông”.
Liên hệ với Grossarth-Maticek, hiện vẫn còn sống, Pelosi cho biết động lực nghiên cứu của Maticek “đến từ một niềm tin gần như tôn giáo cho rằng có thể phòng bệnh ung thư và đẩy lùi cái chết do bệnh di căn”. Nhà nghiên cứu người Đức đã cố gắng chứng minh niềm tin của mình, song những kết luận của ông có nguy cơ gặp phải những thiếu sót nghiêm trọng về mặt khoa học và lâm sàng do tác giả chưa hề được đào tạo về lĩnh vực bệnh dịch học.
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2019/oct/11/work-of-renowned-uk-psychologist-hans-eysenck-ruled-unsafe