Các nhà khoa học ước chừng vụ rò rỉ đã giải phóng khoảng 115.000 tấn khí methane, tác động đến môi trường tương đương với lượng khí thải CO2 hằng năm từ hai triệu chiếc ô tô. Nếu các nhà khoa học ước tính đúng thì đây là vụ rò rỉ khí đốt lớn nhất trong lịch sử; nhưng về cơ bản, sự cố này không làm thay đổi mức độ phát thải toàn cầu.

Ngày 26/9, những người vận hành hệ thống đường ống Nord Stream 2 nhận thấy áp suất giảm đột ngột từ 105 bar (gấp 105 lần áp suất khí quyển) xuống chỉ còn 7 bar. Ngay sau đó, một khu vực rộng 1 km trên bề mặt biển Baltic sủi bọt khí. NATO cho rằng vụ rò rỉ lần này là do cố tình phá hoại.

Khí đốt phun ra phía trên đường ống Nord Stream 2 ở Biển Baltic vào ngày 27/9.

“Tôi chưa bao giờ trông thấy bất cứ điều gì như vậy, và hoạt động địa chấn cùng thời điểm với vụ rò rỉ phù hợp với các vụ nổ chứ không phải động đất, động đất có dấu vết địa chấn khác", nhà địa chất học Björn Lund tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, cho biết.

Đường ống ngầm dẫn khí đốt Nord Stream chạy từ Nga đến Đức Nord Stream 2, được hoàn tất vào tháng 9 năm ngoái, có khả năng vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Tuy nhiên, quá trình cấp giấy phép hoạt động liên tục bị trì hoãn do sự phản đối của Mỹ và mối lo phụ thuộc Nga về năng lượng Nga của châu Âu. Hồi tháng 2, trước khi Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine, giới chức Đức đã từ chối cấp phép đường ống Nord Stream 2 và dự án bị tạm dừng vô thời hạn, nhưng nó vẫn chứa đầy khí đốt, khoảng 90% là khí methane.

Trong khi đó, Nord Stream 1 vận hành từ năm 2011, và đến năm 2020, Nga cung cấp gần 1/5 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu ở Pháp, khoảng 2/3 ở Đức, và 100% ở Czech.

Tác động đến khí hậu của sự kiện rò rỉ này là đáng báo động. Có rất nhiều biến số chưa thể chắc chắn, nhưng ước chừng khoảng 115.000 tấn khí methane đã được giải phóng ngay tại thời điểm áp suất đường ống giảm, Andrew Baxter, từng là kỹ sư trong ngành dầu khí, hiện là giám đốc chuyển đổi năng lượng tại Quỹ Phòng vệ Môi trường, đưa ra ước tính dựa trên kích thước của đường ống và nhiệt độ nước.

Cùng một khối lượng, methane gây ra hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều so với carbon dioxide. Baxter cho biết tác động tổng thể của vụ rò rỉ này tương đương với lượng khí thải CO2 hằng năm từ hai triệu chiếc ô tô.

"Nếu ước tính này là đúng, đây là vụ rò rỉ khí đốt lớn nhất trong lịch sử", Zeke Hausfather, nhà khoa học khí hậu tại Berkeley Earth, tổ chức phân tích dữ liệu phi lợi nhuận tại California, cho biết. Nhưng Hausfather lưu ý sự cố này về cơ bản không làm thay đổi mức độ phát thải của toàn cầu.

Mark Davis, giám đốc điều hành của Capterio, một công ty ở London, chuyên theo dõi các vụ nổ khí đốt từ ngành công nghiệp, đồng ý rằng sự kiện này, mặc dù rất lớn, cũng chỉ chiếm khoảng 0,14% lượng khí methane phát thải hằng năm trên toàn cầu từ ngành công nghiệp dầu và khí. Khi xảy ra rò rỉ, đốt lượng khí thoát ra có thể giúp giảm thiểu tác động khí hậu, vì methane sẽ bị chuyển hóa thành carbon dioxide. Kể từ lần giảm áp suất ban đầu trong ống Nord Stream 2, cũng đã xuất hiện rò rỉ trong đường ống Nord Stream 1 chạy song song và cũng đang ngừng hoạt động.

Cần thêm thời gian để đo lường chính xác lượng khí methane thoát ra. Khó giám sát khí methane trên nước bởi vì mặt nước hấp thụ hầu hết ánh sáng mặt trời, do đó khó ghi lại hình ảnh, và nước cũng che khuất các tín hiệu của khí methane trong máy đo quang phổ.

Càng khó khăn hơn khi các vệ tinh công cộng quan sát môi trường không ở đúng địa điểm rò rỉ vào thời điểm xảy ra vụ việc, theo Itziar Irakulis-Loitxate tại Đại học Bách khoa Valencia Tây Ban Nha, người sử dụng dữ liệu vệ tinh để đo mức methane trong khí quyển. Tệ hơn, các đám mây thường xuyên bao phủ các vĩ độ phía bắc, do đó vệ tinh gần như không thu được dữ liệu gì.

Tuy nhiên trạm quan sát ở Thụy Điển thuộc dự án Hệ thống quan sát carbon tích hợp của châu Âu đã ghi nhận mức độ methane tăng bất thường.

Trong những ngày và tuần tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục tìm hiểu lượng khí methane đã được giải phóng do vụ rò rỉ. Các nhà địa chấn học cũng có thể giúp xác định cách các đường ống bị vỡ, bằng cách so sánh dữ liệu địa chấn mà họ thu thập được trong thời gian xảy ra vụ việc Nord Stream với dữ liệu từ các vụ nổ bom của hải quân trước đó, nhóm Lund đang nghi ngờ đường ống bị phá hoại bởi thuốc nổ. Nhưng Lund lưu ý rằng địa chất phức tạp của vỏ Trái đất ở khu vực giữa Đan Mạch và Thụy Điển làm cho khó xác định chính xác.

Nguồn: