Giới nghiên cứu bất ngờ trước một công bố ngày 27/9 nói rằng một loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer mới, tên là lecanemab, đã làm chậm 27% tốc độ suy giảm nhận thức ở nhiều bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng. Nếu những gì công bố là đúng, lecanemab sẽ trở thành thuốc điều trị Alzheimer đầu tiên có hiệu quả.

lecanemab được phát triển bởi công ty dược phẩm Eisai ở Tokyo và công ty công nghệ sinh học Biogen ở Massachusetts. Thuốc là một kháng thể đơn dòng, có tác dụng loại bỏ các mảng protein có hại khỏi não. Theo "giả thuyết amyloid", các protein amyloid-β này tích tụ thành các mảng độc hại trong não và là nguyên nhân gây ra Alzheimer.

Kết quả chỉ ra rằng lecanemab mang lại một số lợi ích lâm sàng, nhưng mức lợi ích như vậy là rất nhỏ, theo Caleb Alexander, chuyên gia nội khoa và nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Maryland.

Amyloid liên quan đến Alzheimer và nếu điều chỉnh nó thì sẽ có một số lợi ích nhỏ, nhưng không phải gốc rễ vấn đề, theo George Perry, nhà sinh vật học thần kinh tại Đại học Texas, San Antonio.

Ảnh minh họa

Lợi ích nhỏ

“Đây là những kết quả đáng khích lệ nhất trong các thử nghiệm lâm sàng điều trị các nguyên nhân cơ bản của bệnh Alzheimer cho đến nay”, Hiệp hội Alzheimer cho biết trong một tuyên bố.

Năm ngoái, FDA đã gây tranh cãi đã khi phê duyệt aducanumab, một kháng thể đơn dòng khác do Biogen phát triển để phục vụ việc điều trị Alzheimer, trong khi thuốc không cho thấy lợi ích rõ ràng. Hai thử nghiệm giai đoạn III đối với aducanumab đã chứng minh rằng thuốc có thể loại bỏ amyloid khỏi não, nhưng tốc độ suy giảm nhận thức chỉ chậm lại ở một nhóm nhỏ những người tham gia.

Ngược lại, thử nghiệm giai đoạn III của lecanemab được tiến hành liên tục trong 18 tháng, gọi là Clarity AD, cho thấy tốc độ suy giảm nhận thức ở bệnh nhân có ý nghĩa thống kê. 1.800 người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu sống ở hơn một chục quốc gia được truyền tĩnh mạch lecanemab hoặc giả dược hai tuần một lần trong suốt thời gian thử nghiệm. Nhận thức của họ được đánh giá trên thang điểm chuyên dụng cho chứng bệnh về nhận thức CDR-SB. Các bác sĩ lâm sàng tính điểm CDR – SB của người bệnh bằng cách phỏng vấn họ và những người chăm sóc họ, đồng thời kiểm tra khả năng trí nhớ và giải quyết vấn đề của họ.

lecanemab không chỉ làm giảm amyloid trong não bệnh nhân, mà nhóm dùng thuốc đạt điểm CDR-SB trung bình cao hơn 0,45 điểm so với nhóm giả dược, sau 18 tháng.

Khác biệt này quá nhỏ và gần như không thể nhận ra so với giả dược, theo Rob Howard, bác sĩ tâm thần tại University College London. Howard và một số người khác cho rằng khác biệt có ý nghĩa thực tế nằm trong phạm vi từ 0,5 đến 2 điểm.

Những người bị bệnh Alzheimer thường phát triển các mảng protein (mảng mờ phía bên trái) trong não của họ.

Hiệu quả chỉ là một phần vấn đề

Câu hỏi đặt ra là lợi ích mà lecanemab mang lại có xứng đáng với những rủi ro hay không. Trong quá trình thử nghiệm, khoảng 20% ​​nhóm dùng lecanemab có biểu hiện bất thường trên ảnh chụp não - sưng hoặc chảy máu. Tuy nhiên chỉ có 3% nhóm dùng thuốc gặp phải các triệu chứng do các bất thường này gây ra. Để so sánh, trong quá trình thử nghiệm giai đoạn III aducanumab, 40% người tham gia có biểu hiện bất thường trên ảnh chụp não. Dựa trên các dữ liệu này, lecanemab vẫn có thể được các cơ quan quản lý phê duyệt.

FDA đang cân nhắc phê duyệt lecanemab trên cơ sở thử nghiệm giai đoạn II cho thấy thuốc làm giảm amyloid. Các kết quả mới của giai đoạn III không phải là cơ sở của việc phê duyệt, nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến ý kiến của các chuyên gia. FDA dự kiến ​​sẽ công bố quyết định của mình vào tháng Giêng năm sau.

Tương tự như Perry, các nhà nghiên cứu khác cũng lưu ý rằng amyloid chỉ là một phần của bệnh Alzheimer.

“Có một loại protein thứ hai rất bất lợi, gọi là tau, cần được giải quyết. Tau cũng lắng đọng trong não của những người bệnh Alzheimer và có tương quan chặt chẽ với sự suy giảm nhận thức", Liana Apostolova, nhà thần kinh học tại Trường Đại học Y khoa Indiana, Indianapolis, người đã tư vấn cho Biogen và Ensai, cho biết.

Một phương pháp tiếp cận theo nhiều hướng, nhắm vào cả amyloid và tau sẽ là hiệu quả nhất đối với bệnh thoái hóa thần kinh không ngừng như Alzheimer, theo Apostolova.

Forester thì cho rằng cần đánh giá vấn đề bệnh Alzheimer rộng hơn nữa, người bệnh và người chăm sóc của họ cần những hỗ trợ khác ngoài thuốc, bao gồm giáo dục và hướng dẫn cách ứng phó với sự tiến triển không thể tránh khỏi của bệnh.

“Thuốc là một phần của quá trình chăm sóc toàn diện cho bệnh mất trí nhớ. Chỉ thuốc thôi sẽ không có tác dụng", Forester nói.

Nguồn: