Hơn một chục bang ở Mỹ đang cố gắng loại bỏ hoàn toàn quy định đuổi học ở trường học bởi biện pháp này chỉ dẫn đến những tác động xấu.

Những đứa trẻ từng trải qua tổn thương thường có hành vi quậy phá ở trường hơn. Ảnh: LumiNola / E+ Collection via Getty Images

Tại Mỹ, mỗi năm học, có gần 3 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 12 bị đình chỉ học và hơn 100.000 em bị đuổi học. Các vi phạm bao gồm từ những lỗi đơn giản như không nghe theo hướng dẫn, đánh nhau, cho đến các hành vi nghiêm trọng hơn như bị bắt vì sử dụng, tàng trữ ma túy hoặc vũ khí.

Đình chỉ và đuổi học là hình thức kỷ luật được áp dụng từ rất sớm trong quá trình phát triển của học sinh – không có gì là lạ khi trẻ mẫu giáo dưới 3 tuổi cũng có thể bị đình chỉ hoặc đuổi khỏi cơ sở chăm sóc.

Phần lớn vấn đề bắt nguồn từ những thành kiến ngầm. Tỷ lệ đình chỉ hoặc đuổi học học sinh da đen, đặc biệt là nam sinh, cao hơn nhiều so với học sinh da trắng. Các giáo viên có xu hướng nhìn nhận khác biệt đối với hành vi của bé trai nói chung và đặc biệt là học sinh da màu, và họ phản ứng theo những cách khắt khe hơn. Điều này đúng ngay cả khi các em học sinh bất kể màu da, giới tính có hành vi giống nhau.

Các giáo viên thường bỏ qua một bước quan trọng, đó là tìm hiểu lý do gì dẫn đến những hành vi của các em – thay vì lập tức kết thúc mọi chuyện bằng cách đình chỉ và cho thôi học. Là một nhân viên xã hội lâm sàng, tôi* đã làm việc với trẻ em ở mọi lứa tuổi đang gặp khó khăn ở trường. Nhiều em trong số đó đã bị đình chỉ tạm thời hoặc đuổi học vĩnh viễn vì những hành vi như khạc nhổ, chạy ra khỏi lớp học hoặc đánh nhau. Một điểm chung giữa hầu hết những học sinh này là các em đều từng có trải nghiệm tổn thương tâm lý ở nhà và trong khu phố nơi các em sống.

Tổn thương thời thơ ấu

Có thể hiểu những tổn thương tâm lý bao gồm việc một người bị lạm dụng, bỏ mặc hoặc phải chứng kiến bạo lực tại nhà, trong khu phố. Nó có thể dẫn đến những hành vi kích thích. Trong thực tế, tôi đã chứng kiến những đứa trẻ bị đánh hoặc nghe thấy tiếng la mắng ở nhà sẽ đánh hoặc la hét như thế nào khi chúng bực bội ở trường. Hoặc một đứa trẻ bị bỏ mặc có thể tích trữ thức ăn trong bàn học của chúng, thường thì chúng trông có vẻ tách biệt và không mở lòng.

Trong quá trình nghiên cứu lý do dẫn đến các hành vi vi phạm kỷ luật trong trường, tôi nhận thấy với những trường hợp bị giáo viên tiểu học báo cáo có hành vi gây rối, phần lớn là những em đã chia sẻ mình từng có trải nghiệm với bạo hành – kể cả chứng kiến bố mẹ đánh nhau. Nhiều hành vi gây rối hơn cũng dẫn đến số lượng ngày bị đình chỉ học của các em trong năm ngoái cũng nhiều hơn so với các bạn khác.

Tôi và đồng nghiệp nhận thấy rằng những học sinh cho biết mình bị đánh đập, tấn công bằng vũ khí hoặc bị tấn công tình dục cũng có nhiều hành vi có vấn đề ở trường hơn so với các bạn khác. Chúng gặp rắc rối thường xuyên vì gian lận, đánh nhau hoặc quậy phá trong lớp. Và, tương tự, chúng bị đình chỉ và đuổi học thường xuyên hơn.

Nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện điều này cũng đúng đối với trẻ mẫu giáo. Một nghiên cứu với hơn 6.000 phụ huynh có con ở độ tuổi mẫu giáo chỉ ra, đối với mỗi loại “nghịch cảnh” thời thơ ấu mà trẻ mẫu giáo từng trải qua, chúng có nguy cơ bị đình chỉ hoặc đuổi học cao hơn 80%. Nghịch cảnh thời thơ ấu bao gồm những điều như chứng kiến bạo lực trong nhà, bị lạm dụng, bỏ rơi. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo đại dịch, cùng với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, sẽ khiến người dân căng thẳng và lo lắng, từ đó làm tăng đáng kể nguy cơ bạo lực tại nhà.

Cần thay đổi phương pháp tiếp cận

Điều đáng nói ở đây là trẻ em không cải thiện hành vi của mình sau khi bị đình chỉ học. Không khó để bắt gặp những đứa trẻ đã trải qua một tuổi thơ khốn khổ và đầy tổn thương. Đối với chúng, đình chỉ hoặc đuổi học chỉ dẫn đến những tác động xấu. Trong thực tế công việc của mình, tôi nhận thấy việc đột ngột bị tách ra khỏi giáo viên và bạn bè đồng trang lứa có thể khiến những em đã từng phải trải qua cảm giác mất đi các mối quan hệ trong quá khứ - như cha mẹ bị trục xuất hoặc bị giam giữ - cảm thấy khổ sở. Đình chỉ học và đuổi học cũng có thể khiến học sinh mất kết nối với một môi trường an toàn, bị đẩy về môi trường lạm dụng và nguy hiểm với chúng, và rồi chúng sẽ mất đi lòng tin vào hệ thống trường học nói chung.

Một số trường học đang sử dụng thiền định như một giải pháp thay thế cho kỷ luật. Điều này có thể cải thiện sức khỏe tâm thần của học sinh, cũng như giúp giáo viên thấu hiểu học sinh của mình hơn. Ảnh: Linda Davidson / The Washington Post via Getty Images

Để giải quyết điều này, nhiều trường học hiện đang kết hợp phương pháp trauma-informed lens dựa trên nhận thức về tổn thương vào chính sách đào tạo và giáo dục của họ.

“Hiểu rõ tổn thương” bao gồm việc hiểu những tác động của tổn thương trong quá khứ và nhận biết các dấu hiệu lẫn triệu chứng của tổn thương, tập trung cung cấp giải pháp cải thiện sức khỏe tâm thần hoặc các nguồn lực khác để giải quyết vấn đề, nỗ lực giúp các em không bị tổn thương lần nữa. Điều này đòi hỏi phải đào tạo giáo viên làm sao có thể hiểu và nhận ra tổn thương có biểu hiện như thế nào, và giới thiệu học sinh đến các nhà tư vấn sức khỏe tâm thần. Cùng với đó, khi giáo viên thấu hiểu những tổn thương hoặc những nỗi đau do phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử gây ra, họ có thể giúp chống lại thành kiến và bất bình đẳng trong trường học.

Từ việc hiểu về mối liên hệ giữa tổn thương trong quá khứ và những hành vi quấy rối khiến học sinh bị đình chỉ và đuổi học, các trường có thể sửa đổi chính sách kỷ luật của mình để hỗ trợ học sinh tốt hơn. Bộ phim tài liệu năm 2015 “The Paper Tigers” của đạo diễn Bradley Trần Quốc Bảo cho chúng ta thấy các chính sách kỷ luật có thể thay đổi như thế nào sau khi áp dụng tiếp cận dựa trên nhận thức về tổn thương. Hơn một chục bang ở Mỹ đang cố gắng loại bỏ hoàn toàn quy định đuổi học, đặc biệt là ở các trường mầm non.

Các phương pháp tiếp cận dựa trên hiểu rõ tổn thương có thể đảo ngược chính sách “không khoan nhượng” mà nhiều giáo viên áp dụng hiện nay, sang những nỗ lực tìm hiểu lý do đằng sau hành vi của học sinh.

Nếu không chuyển sang những tiếp cận tích cực như trên, tôi tin rằng các trường học có nguy cơ sẽ làm tổn thương thêm những đứa trẻ vốn đã bị tổn thương.

(*) Tác giả bài viết là Alysse Loomis, Phó giáo sư về Công tác Xã hội, Đại Học Utah

Nguồn: