Thông ngôn, thông dịch viên, hay phiên dịch – đều chỉ những người chuyển ý tứ từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác nhằm tạo sự thông hiểu để hợp tác. Hoạt động này có lẽ có từ thời thượng cổ, từ khi có sự giao lưu giữa các bộ tộc không nói một thứ tiếng. Nó đã được ghi lại cách nay hơn ba nghìn năm.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc đào tạo thông dịch viên lại hoàn toàn mới mẻ.

Những thủ khoa thông ngôn tuổi thiếu niên

Đại Việt sử ký toàn thư và mọi cổ thư tịch không có nửa chữ về sự nghiệp cần thiết và khó khăn này. Xưa đi sứ sang Bắc quốc, vì ta với họ, cũng như với Nhật Bản và Triều Tiên là những nước “đồng văn”, đều sử dụng cổ Hán tự, nên các cụ giao dịch bằng bút đàm. Sử liệu Việt Nam và Hàn Quốc đều ghi chép việc Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng) và Lý Túy Quang (Yu Su Gwang) năm 1592 cùng đi sứ sang Bắc Kinh, đã bút đàm và xướng họa thơ với nhau bằng chữ Hán. Bởi vậy chăng mà thời xưa ở ta không có trường lớp đào tạo phiên dịch. Khi cần “thông ngôn” với các nước không đồng văn, như Chiêm Thành, Ai Lao (Lào), Xiêm La (Thái Lan), ông cha ta thường sử dụng các thương nhân, là những người qua tiếp xúc trực tiếp mà học được các thứ tiếng nước ngoài đó.

Sự nghiệp đào tạo phiên dịch bắt đầu ở Việt Nam là do thực dân Pháp. Mới chiếm xong Lục tỉnh Nam Kỳ, mấy cái đầu thực dân thông thái đã tự nhận thức được: “Sau khi người lính đã hoàn thành sự nghiệp của mình thì đến lượt người giáo viên thực hiện sự nghiệp của họ” (dẫn theo Nguyễn Đăng Tiến (chủ biên) – Lịch sử giáo dục Việt Nam. Trước cách mạng tháng 8 – 1945).

Tháng 5/1862, người Pháp khai giảng trường học thông ngôn đầu tiên ở Sài Gòn là College des interprètes. Người Việt đầu tiên được mời dạy ở đó là Trương Vĩnh Ký, theo học các cha cố người Pháp từ năm 8 tuổi và biết đến 4-5 ngoại ngữ.

Chiếm xong Bắc kỳ, năm 1886 người Pháp mở trường tương tự ở Hà Nội. College des interprètes Hà Nội mới đầu đặt ở phố Jean Dupuis (nay là đoạn Hàng Chiếu ở ngoài Ô Quan Chưởng), sau chuyển ra đình Yên Phụ. Nguyễn Văn Vĩnh 8 tuổi vừa làm “chân kéo quạt”, vừa học lỏm; 2 năm sau; có kỳ thi, cậu xin dự và đỗ thứ 12/40 học viên, nhưng mới 10 tuổi, chưa thể bổ dụng, cậu xin học thêm, 4 năm sau đỗ thủ khoa, 15 tuổi đã được bổ làm thông dịch viên ở Tòa Công sứ Lao Cai. Nguyễn Văn Vĩnh về sau từ thông ngôn trở thành một ký giả, học giả, nhà văn hóa và dịch giả trứ danh. 12 năm sau, vào năm 1908, lại một thiếu niên 15 tuổi nữa đỗ thủ khoa Trường Thông ngôn ở Hà Nội là Phạm Quỳnh, được bổ làm thủ thư và thông ngôn ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, về sau cũng lại từ thông ngôn trở thành một học giả thông kim bác cổ, Chủ bút tờ Nam Phong tạp chí, được học giới nước nhà đánh giá là “bách khoa toàn thư”, rồi năm 1933 thành Thượng thư bộ Học trong triều đình vua Bảo Đại, bắt tay thực hiện hoài bão phát biểu từ năm 1922 trước mặt chư vị viện sĩ Hàn lâm “mẫu quốc”, là: xây dựng một nền quốc học trên cơ sở văn hóa dân tộc từ việc đặt nền tiểu học dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt… Hai ví dụ trên (và cả một số trường hợp dưới đây) cho thấy những thuận lợi to lớn mà nghề phiên dịch có thể đem lại cho việc học hành, lập thân, lập nghiệp của người trẻ tuổi nếu anh ta đam mê nó, có chí tiến thủ và phương pháp tự học.

Khóa đào tạo phiên dịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thực sự mở đường cho chuyên ngành dịch thuật hình thành và phát triển. Chưa đầy 3 tháng sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15/11/1945, Đại học Đông Dương, lúc này là Đại học Việt Nam, khai giảng lại, với một chuyên ngành đào tạo mới, là “Ban Chính trị - xã hội”, đào tạo trong một thời gian ngắn những cán bộ chuyên môn cần thiết cho những cơ quan hành chính, tư pháp, ngoại giao với quy định dạy các môn ngoại ngữ Anh, Trung và Nga. Tiếng Pháp sở dĩ không nhắc tới vì tất cả các vị tú tài đã làu làu nó. Tiếc rằng Ban Chính trị-xã hội mới triển khai được một năm thì bị gián đoạn bởi cuộc Kháng chiến Toàn quốc, sinh viên xếp bút nghiên, cầm súng lên đường cứu nước.

Tuy vậy, nhu cầu về cán bộ giỏi ngoại ngữ ngay lúc ấy vẫn cấp thiết nên năm 1947, trong kháng chiến chống Pháp, Chính phủ lập trong rừng núi chiến khu Việt Bắc Trường Ngoại ngữ nhằm đào tạo cho các cơ quan trung ương cán bộ làm công tác giao dịch đối ngoại. Học viên là những cán bộ kháng chiến trẻ triệu tập từ các quân khu về. Đây chắc chắn là khóa đào tạo phiên dịch đầu tiên của Nhà nước ta, dẫu chương trình chỉ gồm lý luận macxit, đường lối chính sách kháng chiến, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nga, chưa có các môn học chuyên ngành ngôn ngữ học và dịch thuật. Trực tiếp dạy tiếng Nga là “Giáo sư Đỏ” Nguyễn Khánh Toàn, từng tốt nghiệp Đại học Phương Đông tại Moskva, lúc ấy làm Thứ trưởng Giáo dục kiêm Hiệu trưởng nhà trường. Nhưng chỉ mấy tháng sau, Trường phải giải thể do bị phi cơ Pháp oanh tạc, vài cán bộ và học viên hy sinh. Một số học viên được giữ lại làm phiên dịch tại các cơ quan đối ngoại trung ương.

Các cựu thành viên lớp Nga văn học ở Ban Chuyên tu tiếng Nga của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1950, đón các thầy cô giáo cũ sang thăm Việt Nam. Nguồn: Gia đình ông Trần Thống

Sau khi Chiến dịch biên giới năm 1950 kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn biên giới Việt - Trung, trong các năm 1950 -1952, Nhà nước ta cử liền mấy nhóm cán bộ trẻ sang Bắc Kinh học tiếng Nga và tiếng Trung, đầu tiên ở Ban Chuyên tu tiếng Nga trực thuộc Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó là ở Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Đây chính là những nhà Nga ngữ học và Trung Quốc học đầu tiên của Việt Nam. Trong số làm phiên dịch sau khi về nước có những người trở thành các nhà lãnh đạo như ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Đậu Ngọc Xuân.

Ngành đào tạo phiên dịch phục vụ kiến thiết đất nước

Đón đầu việc mời chuyên gia xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, năm 1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử một lúc hàng trăm thiếu niên và thiếu sinh quân du học ở Trung Quốc và Liên Xô. Trong 100 cựu Thiếu sinh quân sang Moskva, sau 1 năm chuyên tu đặc biệt về tiếng, 20 người được cử vào Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Quốc gia của Liên Xô nhằm đào tạo thành giáo viên tiếng Nga, 80 người được đào tạo về tiếng chuyên ngành thêm 1 năm nữa.

Lớp 100 phiên dịch và giáo viên Nga văn đầu tiên được đào tạo tại Moskva từ năm 1954 - 1958, trong đó có nhà ngoại giao Vũ Khoan, đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, soạn giả từ điển Việt-Nga Nguyễn Tuyết Minh và tác giả bài viết. Nguồn: Tác giả bài viết - Moskva, 1955

Năm 1956, sau 2 năm được học tiếng Nga trong môi trường sinh ngữ, tám chục học viên lần đầu tiên được định hướng hành nghề phiên dịch và trên thực tế đã làm phiên dịch trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-giáo dục và quân sự. Một số học viên của khóa chuyên Nga ngữ đầu tiên này trở thành những nhà chính trị, ngoại giao cốt cán hoặc các chuyên gia gạo cội của ngành Nga ngữ Việt Nam, trong đó có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Có một số người trong khi làm phiên dịch cho các chuyên gia Liên Xô đã kết hợp sử dụng tiếng Nga như công cụ để tự học một chuyên ngành khác, trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mới, mà tiêu biểu là đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh.

Nhưng số lượng phiên dịch ấy vẫn chỉ là muối bỏ bể khi nước ta triển khai kế hoạch hậu chiến 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế 1958 – 1960, với sự giúp đỡ đội ngũ chuyên gia đông đảo từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN Đông Âu. Vì vậy, tuy đã có Khoa Ngoại ngữ, khai giảng năm 1958 ở Đại học Sư phạm Quốc gia tại Hà Nội, Chính phủ vẫn giao Bộ Giáo dục thành lập một cơ sở đào tạo ngoại ngữ mới, với tên chính thức trong văn bản là Trường Ngoại ngữ, tên thường gọi là Trường Chuyên tu Ngoại ngữ, trong các văn bản là Trường Bổ túc Ngoại ngữ (Gia Lâm) để đào tạo phiên dịch và bồi dưỡng ngoại ngữ cho học sinh, cán bộ được tuyển chọn đi học nước ngoài. Ngày 1/11/1959, Trường khai giảng khóa chuyên tu tiếng Nga và tiếng Trung cho khoảng 1.000 lưu học sinh; và chỉ 4 tháng sau khai giảng khóa phiên dịch trung cấp tiếng Nga và tiếng Trung cho 230 sinh viên. Tuy nhiên, con số tuyển sinh vài trăm cũng không đủ phục vụ hàng ngàn chuyên gia kỹ thuật trong mấy trăm cơ quan và công trường lớn nhỏ nên ngay năm sau, vào ngày 20/10/ 1960, Bộ Giáo dục ra Quyết định tách Trường Ngoại ngữ thành hai trường: Trường Trung cấp Ngoại ngữ và Trường Chuyên tu trực thuộc Bộ. Trong đó, Trường Trung cấp Ngoại ngữ có nhiệm vụ đào tạo giáo viên sinh ngữ cho ngành giáo dục và phiên dịch cho nhu cầu của Nhà nước; còn Trường Chuyên tu có nhiệm vụ giảng dạy sinh ngữ cho cán bộ, thanh niên, học sinh chuẩn bị ra nước ngoài học tập chuyên môn.

Trường Trung cấp Ngoại ngữ đóng ở Mễ Trì. Để khỏi nhầm lẫn, trường này thường được gọi là “Trường Trung cấp Phiên dịch”. Như vậy đây là lần thứ hai (sau Trường Phiên dịch ở ATK Việt Bắc năm 1947), trong hệ thống giáo dục của Nhà nước ta có cơ sở đào tạo định hướng chuyên nghiệp rõ ràng – nghề phiên dịch, với chương trình học 3 năm.

Ngay niên khóa đầu tiên 1960-61 khai giảng tháng 9/1960, Trường Trung cấp Ngoại ngữ đã tuyển hơn một nghìn sinh viên Nga văn và Trung văn; và 2 niên khóa tiếp theo, số lượng tuyển sinh cũng tương tự - tổng cộng trong 3 năm tồn tại (1960 -1963), Trường Trung cấp Phiên dịch đã xuất xưởng hơn ba nghìn phiên dịch tiếng Nga và tiếng Trung – một con số khổng lồ về sau không bao giờ có nữa. Đội ngũ này cùng một bộ phận tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng không hành nghề sư phạm, đã trở thành những nhân vật then chốt không thể thiếu trong bộ máy Đảng và nhà nước ở Trung ương và các công trường, xí nghiệp trên khắp miền Bắc. Mười lăm năm sau, khi “công trình thế kỷ” Thủy điện sông Đà khởi công, nhiều phiên dịch trung cấp này, qua quá trình tiếp tục tự học, tự đào tạo trong thực tế tác nghiệp chuyên môn, đã trở thành những phiên dịch chuyên ngành lành nghề.

Hoàn thành nhiệm vụ đào tạo cấp tốc một số lượng lớn phiên dịch phục vụ đội ngũ chuyên gia nước ngoài, Trường Trung cấp Phiên dịch phải giải thể, để lại một khoảng trống trong sự nghiệp đào tạo cán bộ ngoại ngữ cho đất nước. Mặt khác, do những chuyển biến trong tình hình quốc tế (cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa xét lại”) và trong nước (1964 bắt đầu “chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ), số lượng lưu học sinh đi học nước ngoài giảm hẳn, Trường Chuyên tu Ngoại ngữ, bắt đầu chuẩn bị chương trình đào tạo cán bộ ngoại ngữ ở trình độ đại học, và năm 1966 đã khai giảng khóa đại học ngoại ngữ 3 năm, với hai ban Nga văn và Trung văn; sang năm 1967 thì chính thức thành lập Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội – HANU) với 2 khoa: Tiếng Nga, Tiếng Trung, và 3 Ban: Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Tiếng Đức(năm 1973 hợp thành Khoa Anh-Pháp-Đức, về sau cũng tách thành các khoa riêng).

Đầu tháng 9/1967 tại khu sơ tán của Đại học Ngoại ngữ ở Gia Lương – Bắc Thái, lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Khoa học Ngoại ngữ kéo dài 6 ngày, với sự tham gia của 182 đại biểu thuộc 23 trường đại học trên miền Bắc. Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu về dự và có bài biểu đề dẫn quan trọng dưới tiêu đề “Vai trò và vị trí của ngoại ngữ trong cách mạng khoa học kỹ thuật”, bàn riêng về định hướng chiến lược cho mục tiêu đào tạo cán bộ ngoại ngữ. Vốn là một học giả lớn, Bộ trưởng Bửu xác định rõ ràng: 1) tính văn hóa-giáo dục toàn diện cho ngoại ngữ phổ thông và 2) tính thực nghiệp trên cơ sở lý thuyết cho ngoại ngữ đại học và chuyên ngành (trong đó có chuyên ngành phiên dịch).

Định hướng chiến lược đó được quán triệt trong tất cả các khâu từ thu hút những giáo viên, phiên dịch giỏi về trường, xây dựng chương trình, giáo trình và quy trình đào tạo giáo viên và phiên dịch ngoại ngữ từ khóa tuyển sinh chính thức đầu tiên năm 1967 trở đi. Nhờ vậy, trong đội ngũ phiên dịch Thủy điện sông Đà gồm nhiều nguồn đào tạo từ các trường: Trung cấp Phiên dịch, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Tổng hợp, công nhân kỹ thuật từ Nga về…, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội vẫn chiếm đa số và là nòng cốt ở tất cả các Ban, có khóa như N73 (tức khóa Nga văn 1973-1978) “bị hốt một lúc” lên Thủy điện sông Đà đến hơn hai chục người.