Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn hảo hiếm có mà không vùng kinh tế nào trên cả nước có được.

Đó là các doanh nghiệp, viện, trường nghiên cứu đều xoay quanh việc cung cấp các dịch vụ sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, tiềm lực đặc biệt của vùng đất “Chín rồng” vẫn chưa tạo đà đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo này “hóa rồng”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao đổi với các startup tại Techfest Đồng bằng sông Cửu Long.Nguồn: Sở KH&CN Cần Thơ.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn hảo hiếm có

Techfest 2022 đến Cần Thơ – Trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với kỳ vọng đưa Cần Thơ trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả một vùng đồng bằng rộng lớn và nhiều tiềm năng.

Trong lần thứ 3 được tổ chức Techfest vùng, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn hảo hiếm có. Giải thích điều này, ông Tước cho biết, toàn bộ các doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu đều đang bám chặt vào thế mạnh của vùng để phát triển và định hình nên ngành kinh tế dẫn đắt của cả vùng. Với thế mạnh đất đai và khí hậu, vùng đồng bằng rộng này thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm cùng các ngành phụ trợ. Và hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu tập trung chuyên sâu vào nông nghiệp, công nghệ sinh học, hỗ trợ sự phát triển của ngành. Trong top 500 doanh nhiệp lớn nhất Việt Nam có 100 doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp đến từ Đồng bằng sông Cửu Long.

“Trên cả nước, không có vùng kinh tế nào có được hệ sinh thái điển hình như vậy. Đơn cử như vùng Đông Bắc với Hải Phòng, Quảng Ninh mạnh về kinh tế biển và logistics nhưng các doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu lại không mạnh về lĩnh vực này” – ông Huỳnh Kim Tước nói.

Dù có được xuất phát tốt như thế nhưng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn chưa trở thành động lực của vùng kinh tế này. Điển hình là Đồng bằng sông Cửu Long không hề có tên trong bất kỳ bảng xếp hạng nào về khởi nghiệp. Cũng chưa có startup nào có nguồn gốc từ vùng đất này trở nên ‘nổi đình nổi đám’ – như cách ví von của người miền Tây.

Ông Huỳnh Kim Tước lý giải, do năng lực hấp thụ công nghệ của vùng rất hạn chế. Điểm yếu này là ‘cái chết dài hạn’ nếu không thể khắc phục bởi ‘càng ứng dụng công nghệ càng lỗ’. Quan trọng hơn, nó đang đi ngược lại với những yêu cầu của hệ sinh thái khởi nghiệp, nghĩa là phải áp dụng công nghệ để tạo ra sự đột phá.

“20 năm nay, các doanh nghiệp thường gặp vấn đề cứ đưa công nghệ vào lại dội ra. Có doanh nghiệp ứng dụng hệ thống quản trị nội bộ cũng bị dội ra thì khó mà nghĩ đến việc số hóa” – ông Tước bày tỏ. Ông lý giải tư duy của cac doanh nghiệp đang nhắm vào các giai đoạn gia công, chứ chưa tìm được phân khúc có giá trị cao để tạo ra đột phá. Điều đó tất nhiên cần nghiên cứu chứ không phải chuyện một sớm một chiều.

“Một điểm yếu khác là Đồng bằng sông Cửu Long chưa thiết kế được một hệ thống chính sách và quản trị, kỹ trị cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Điều đó dẫn đến việc, cả vùng không biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu để có chính sách nguồn lực hỗ trợ” – ông Tước nói. Đơn cử nếu có hệ thống đánh giá được toàn vùng đang yêu về chuyển giao công nghệ, vướng mắc ở những giai đoạn nào, nhóm công việc nào, lãnh đạo các tỉnh có thể cùng ngồi lại để thống nhất chính sách và hỗ trợ nguồn lực, tập hợp doanh nghiệp cùng giải quyết, thúc đẩy nâng chỉ số lên.

Giữa nhiều cái khó, bà Nguyễn Thị Phương Linh – Đại diện VCCI chi nhánh Cần Thơ cho rằng, khu vực này hiện đang đối mặt với các thách thức mang tính thời cuộc như suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, các vấn đề xã hội liên quan đến cơ hội tạo việc làm, môi trường chưa đủ hấp dẫn để thu hút người tài từ TP.HCM về cống hiến. Những vòng xoáy đó như ‘ghì xuống” sự phát triển của một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vậy, vùng đất Chín rồng rất cần có sự hỗ trợ của một mạng lưới liên kết từ Chính phủ - cơ quan nhà nước – doanh nghiệp – viện, trường nghiên cứu.

Liên kết tạo nền sức mạnh

Trước những thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long khi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) nói rằng, ý nghĩa của Techfest là tạo ra cơ hội dẫn dắt doanh nghiệp, tập đoàn tham gia vào hệ sinh thái. Nếu hệ sinh thái chỉ có startup hay sinh viên cùng các thầy cô, đội ngũ mentor, cố vấn thì khó có thể tạo nên đột phá. Bởi vậy khi khởi động Techfest 2022, ông Phạm Hồng Quất cùng đội ngũ các trưởng làng đi đến nhiều vùng trọng điểm, kéo theo các tập đoàn, doanh nghiệp để bàn bạc lựa chọn đối sách thích hợp cho từng vùng.

Quan sát cách làm của thế giới và những khu vực thành công trong nước. kỹ sư trưởng của Techfest nhận định “Mở” là từ khóa quan trọng. Theo đó, trường đại học mở không gian, xây dựng vườn ươm, thầy cô cởi mở để mời các doanh nhân, đại diện các tập đoàn, giám đốc các bộ phận, đến trường giao lưu trò chuyện. Điều này trở thành nguồn lực quan trọng nhất giúp sinh viên được tiếp cận với những người thực chiến để học hỏi thay đổi tư duy. Các vườn ươm công lập và ngoài công lập mở để thu hút, chào đón bất kỳ ai có ý tưởng đến xây dựng, hình thành và thu hút quỹ đầu tư tham gia. Khi đó, vườn ươm sẽ tạo ra được hàng loạt hạt giống phát triển tạo doanh thu và tăng trưởng. Một hệ sinh thái được mở sẽ tạo ra sự luân chuyển và phát triển.

“Khi có những startup ở giai đoạn ươm mầm thì các quỹ đầu tư, chương trình ươm tạo mới bắt đầu sàng lọc để đưa vào tăng tốc phát triển. Chúng ta cần liên kết với các trường đại học như ĐH Cần Thơ, ĐH FPT… và thuyết phục các Tập đoàn như Qualcom, Shihan…. xây dựng các hub mở sẵn sàng hỗ trợ startup” – ông Quất đề xuất.

Trước đề nghị này, Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ Ngô Anh Tín lên tiếng khẳng định sẵn sàng ủng hộ mọi ý tưởng tiềm năng. Thời gian qua, Cần Thơ cũng đã hỗ trợ ươm tạo cho một doanh nghiệp trong vùng đưa được sản phẩm lên kinh doanh tại website của Amazon toàn cầu.

“Đây là thành công bước đầu, chúng tôi sẽ đóng gói ý tưởng để nhân rộng mô hình và hỗ trợ mọi vấn đề có thể cho doanh nghiệp. 98% doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô vừa và nhỏ, và cần khai thác được hết các ngành nghề truyền thống để biến chúng trở thành hàng hóa tiềm năng”- ông Tín nói.

Ở góc tiếp cận gần gũi và thực chiến hơn, bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á cho rằng doanh nghiệp khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp trước hết phải là doanh nghiệp số đã rồi mới tính đến chuyện tăng trưởng nhanh.

Đơn cử trong hai năm COVID-19, bà Phi Vân đã đầu tư tiền vào một startup và thúc đẩy để công ty này tăng đến 100 lần giá trị. “Công thức của chúng tôi nằm ở việc đưa cả đội công nghệ để xây dựng lại toàn bộ giải pháp của công ty đó. Sau hai năm tôi thoải vốn với trị giá 4,3 triệu USD. Công thức này phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể xây dựng giá trị doanh nghiệp và tăng trưởng theo cách của startup” - bà Phi Vân nói.

Nhà đầu tư thiên thần này đặt ra câu hỏi “Có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể thỏa mãn yêu cầu làm việc và tăng tốc của đội ngũ các nhà đầu tư thiên thần?”.

‘Khi tham gia tăng tốc cho một doanh nghiệp, chúng tôi sẽ điều tra rất kỹ về tài chính, công nghệ, dữ liệu, hoạt động marketing, sale, chuỗi cung ứng, các vấn đề của thị trường... Chỉ riêng việc làm rõ những điều này đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng vài lần” – bà Vân nhắn nhủ. Tuy nhiên, nhà sáng lập cũng cần chuẩn bị sẵn tâm thế và tinh thần làm việc ngay đêm với áp lực lớn để tăng trưởng 100 lần bằng những đột phá thông qua quản trị và công nghệ.