Kết quả sơ bộ này dựa trên thử nghiệm có hơn 20.000 người tham gia.

Vaccine Sputnik V đã trở thành chủ đề gây tranh cãi kể từ khi được Nga cấp phép vào tháng 8/2020 và triển khai tiêm chủng hàng loạt trước khi có dữ liệu thử nghiệm giai đoạn III. Các nhà khoa học đã bày tỏ lo ngại về mức độ an toàn và sự thiếu minh bạch trong quy trình. Và mới đây, theo dữ liệu mới được công bố trên tờ Lancet, vaccine này có hiệu quả 91,6% trong việc ngăn chặn Covid-19 có triệu chứng.

Kết quả trong thử nghiệm trên 20.000 người tham gia cho thấy vaccine Sputnik V hiệu quả ngang bằng với một số loại vaccine hàng đầu hiện đang được sử dụng. Vaccine này tỏ ra có hiệu quả ở người lớn tuổi, nhóm có nguy cơ tử vong do Covid-19 cao nhất, nhưng đến nay đối tượng tham gia thử nghiệm không đa dạng, hầu hết là nam giới da trắng.

Dù sao thì dữ liệu này cũng xua tan một số nghi ngờ. GS Ian Jones ở Đại học Reading viết trong một bài bình luận trên tờ Lancet: “Việc phát triển vaccine Sputnik V đã bị chỉ trích vì quá vội vàng, đi tắt và thiếu tính minh bạch. Nhưng kết quả được báo cáo ở đây là rõ ràng và dựa trên nguyên tắc khoa học của việc tiêm chủng, có nghĩa [Sputnik V] hiện có thể tham gia cuộc chiến chống lại Covid-19”. Cho đến nay, Sputnik V đã được cấp phép tại 16 quốc gia, bao gồm cả Hungary, quốc gia đầu tiên trong khối EU phê duyệt vaccine này. Sau thử nghiệm, dữ liệu mới nhất đã được gửi cho cơ quan quản lý châu Âu để xem xét phê duyệt chung cho cả khối. Argentina, Brazil, Mexico và Ai Cập đã đặt hàng vaccine Sputnik V.

Vaccine Sputnik V, dự kiến có giá 10 USD một liều.

Quá trình thử nghiệm Sputnik Vvẫn đang được tiếp tục, với mục tiêu thử nghiệm trên ít nhất 40.000 người. Trong số 20.000 người đã tham gia thử nghiệm, 3/4 được tiêm vaccine, số còn lại nhận giả dược.

Quy trình tiêm gồm hai mũi cách nhau 21 ngày. Sau khi tiêm, có 16 ca nhiễm Covid-19 trong tổng cộng 14.964 người nhận vaccine (chiếm 0,1%), và 62 trường hợp mắc bệnh trong 4.902 người nhận giả dược (1,3%). Trong số 2.144 người tham gia tuổi từ 60 tuổi trở lên, vaccine có 91,8% hiệu quả ngăn chặn Covid-19 có triệu chứng.

Theo kết quả đăng trên tạp chí The Lancet, vaccine không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tương tự như vaccine Oxford/AstraZeneca, Sputnik V dựa trên phiên bản sửa đổi của adenovirus, một loại virus cảm lạnh thông thường. Virus này được điều chỉnh để mang các chỉ dẫn di truyền tạo ra protein gai của virus SARS-CoV-2 (loại protein giúp virus bám vào tế bào thụ thể). Sau đó, cơ thể sẽ tạo ra và làm quen với protein gai, kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2. Nhưng khác với Oxford/AstraZeneca, Sputnik V sử dụng hai loại virus adenovirus khác nhau cho hai mũi tiêm để cố gắng kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn và giảm nguy cơ kháng thuốc.

“Kết quả thử nghiệm này rất đáng mừng, không có tác dụng phụ nghiêm trọng và có khả năng bảo vệ những bệnh nhân lớn tuổi,” Tiến sĩ Stephen Griffin, giáo sư ở Đại học Leeds nhận xét.

Sputnik V có giá dưới 10 USD một liều, trong khi AstraZeneca sẽ bán với giá 3 - 4 USD. Các loại vaccine mRNA thì đắt hơn, 20 USD cho vaccine Pfizer/BioNTech và 25 USD cho vaccine Moderna. Nga dự kiến ​​sẽ sản xuất 1,4 tỷ liều Sputnik Vvào năm 2021 - đủ để tiêm cho ít nhất 700 triệu người.

Nguồn: