Hiện đang có 6 vaccine đang được cấp phép trên thế giới và hai vaccine vừa nộp đơn xin cấp phép.
Ngày 1/2 vừa qua, Việt Nam đã chính thức phê duyệt có điều kiện vaccine Covid 19 của Oxford/AstraZeneca theo quyết định số 973/QĐ-BYT của Bộ Y Tế. Chín điều kiện đi kèm việc cấp phép này nhấn mạnh công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế để đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả của lô vaccine khi nhập khẩu và quản trị rủi ro trong suốt quá trình lưu hành tại Việt Nam. Công ty AstraZeneca đang hợp tác với Hệ thống trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC để cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều (đủ tiêm cho 15 triệu người).
Ngoài AstraZeneca, Việt Nam từng chia sẻ đã đàm phán mua vaccine với Nga (Sputnik V), với Mỹ (vaccine của Pfizer/BioNTech) và với Trung Quốc (không đề cập cụ thể mua vaccine nào). Trong số các vaccine đã lưu hành trên thị trường, vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu lực lớn nhất với 95%. Tuy nhiên, các chủng virus mới tại Anh và Nam Phi đã có những dấu hiệu kháng vaccine. Kết quả thử nghiệm lâm sàng của hai vaccine đang nộp đơn xin cấp phép là Novavax và Johnson & Jonhson đều cho thấy, với chủng virus cũ, hiệu lực của các vaccine này đều trên 70% nhưng con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 50% đối với biến thể mới tại Nam Phi.
Có 3/8 vaccine đang sản xuất theo công nghệ vector virus. Cơ chế hoạt động của vector virus đó là cài một đoạn gene của Covid-19 (ở đây là protein gai trên bề mặt virus Sars-Cov-2) vào một virus vô hại với con người. Vaccine phòng bệnh Ebola rVSV-ZEBOV của Canada cũng được phát triển theo công nghệ này. Khi tiêm virus được “chỉnh sửa gene” này sẽ làm kích hoạt phản ứng miễn dịch. Ưu thế của vaccine này đó là kích hoạt đồng thời miễn dịch tế bào và sản sinh kháng thể. Bằng chứng gần đây của đại học Oxford và AstraZeneca cho thấy vaccine của họ không những phòng bệnh mà còn phòng được lây truyền hiệu quả tới 66% (Tức là virus sẽ bị tiêu diệt khi xâm nhập vào mũi và hầu họng của đa số người được tiêm, ngăn chặn việc lây lan sang người khác).
Trong số tám vaccine ở bảng dưới đây, chỉ có duy nhất hai vaccine của Oxford/AstraZeneca và Pfizer/BioNTech là tham gia vào chương trình Covax. Covax là chương trình được bảo trợ bởi Liên minh Vaccine toàn cầu nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia đang phát triển được hỗ trợ, tài trợ, tiếp cận với các nhà sản xuất vaccine để có thể mua được vaccine nhanh nhất và với giá ưu đãi nhất. Đây cũng là hai vaccine có năng lực sản xuất lớn nhất hiện nay và được phê duyệt rộng rãi nhất trên thế giới.
Tiasang